Thế giới >> COVID-19 (nCoV)

Quốc gia Đông Nam Á đối mặt 'sóng thần' Covid-19, có nơi ca nhiễm tăng 7.600%: Giới chuyên gia lo ngại điều tồi tệ nhất sắp đến

Số ca nhiễm tại hai hòn đảo đông dân nhất của Indonesia tăng cao, khiến giới chuyên gia y tế lo ngại điều tồi tệ nhất có thể vẫn còn ở phía trước, trong bối cảnh rất ít các biện pháp hạn chế di chuyển được áp dụng.

Ba tuần sau kỳ nghỉ lễ ở Indonesia, số ca nhiễm đang bắt đầu tăng cao ở Java và Sumatra. Hàng triệu người trước đó đã di chuyển khắp cả nước, bỏ qua lệnh cấm di chuyển tạm thời.

Quốc gia Đông Nam Á đối mặt 'sóng thần' Covid-19, có nơi ca nhiễm tăng 7.600%: Giới chuyên gia lo ngại điều tồi tệ nhất sắp đến

Tại Kudus ở Trung Java, số ca nhiễm tăng tới 7.594% chỉ trong ba tuần, theo Wiku Adisasmito, thành viên ban chuyên trách phòng chống Covid-19 của Indonesia. Y bác sĩ và nhân viên y tế đã nhanh chóng được điều động tới đây, tuy vậy 90% giường bệnh tại điều trị Covid-19 tại các cơ sở y tế địa phương đã được sử dụng.

Defriman Djafri, nhà dịch tễ học Thuộc Đại học Andalas ở Padang cho rằng số ca tử vong trong tháng 05 ở Tây Sumatra đã lên tới đỉnh điểm từ khi đại dịch bùng phát.

Tại Riau, thuộc Sumatra, số ca nhiễm Covid-19 ghi nhận mỗi ngày tăng gấp đôi so với hồi đầu tháng 04, trong khi tỷ lệ dương tính tuần trước lên tới 35,8%, theo nhà dịch tễ học Wildan Asfan Hasibuan.

Widan cho rằng số ca nhiễm tăng cao là do người dân di chuyển thường xuyên trong thời gian vừa qua, đồng thời cũng có thể do sự xuất hiện của các biến chủng vốn gây ra tình trạng tương tự ở nhiều quốc gia khác.

Việc xác định các biến chủng có tác động như thế nào tới tình hình dịch bệnh ở Indonesia là rất khó khăn, do khả năng giải mã bộ gene của nước này vẫn còn hạn chế.

Công tác xét nghiệm, truy vết ở Indonesia cũng chưa thực sự hiệu quả, trong khi chương trình tiêm chủng đang diễn ra với tốc độ há chậm, mới chỉ 1/18 đối tượng tiêm chủng đã được tiêm đầy đủ.

Những nghiên cứu gần đây cũng cho thấy số ca nhiễm trên thực tế có thể cao hơn nhiều so với thống kê chính thức, hiện là 1,9 triệu ca nhiễm, theo CNN.

Dicky Budiman, nhà dịch tễ thuộc Đại học Griffith, cho rằng Indonesia cần thận trọng hơn trong việc đối phó với các biến chủng, đặc biệt là biến chủng B.1.617.2, lần đầu được phát hiện tại Ấn Độ. Biến chủng này đang trong giai đoạn đầu của quá trình lây nhiễm, theo Budiman.

"Nếu không thay đổi chiến lược, chúng ta sẽ đối mặt với sự bùng nổ số ca nhiễm trong cộng đồng, số ca tử vong sẽ tăng cao," ông nói.

"Điều đó nghĩa là sớm hay muộn dân số có nguy cơ cao cũng sẽ nhiễm bệnh... chúng ta sẽ đối mặt với sự bùng nổ số ca nhiễm không thể kiểm soát hay đối phó tại các cơ sở y tế," ông nói thêm.

Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)