Thế giới

Quân đội Trung Quốc dùng máy xúc chân nhện thi công đường gần biên giới Ấn Độ

Quân đội Trung Quốc sử dụng máy xúc chân nhện để đẩy nhanh tiến độ thi công đường sá và các công trình khác ở vùng Himalaya gần biên giới với Ấn Độ, theo SCMP.

Những chiếc máy xúc chân nhện có thể được nhìn thấy trong video ghi lại hình ảnh quân đội Trung Quốc tại cao nguyên bên sông Yarlung Tsangpo, hay phía Ấn Độ gọi là sông Brahmaputra. Video được đăng tải trên mạng xã hội bởi Quân khu Tây Tạng thuộc quân đội Trung Quốc.

Quân đội Trung Quốc dùng máy xúc chân nhện thi công đường gần biên giới Ấn Độ
Máy xúc xuất hiện trong video ghi lại hoạt động của quân đội Trung Quốc ở khu vực biên giới với Ấn Độ (Ảnh chụp từ video)

Máy xúc chân nhện được trang bị bốn chân thủy lực gắn trên bánh lốp và hai càng mở rộng, có thể di chuyển vượt qua nhiều chướng ngại vật, đi qua mương hoặc suối, có thể trèo và hoạt động trên các địa hình gần như dựng đứng.

Quân đội Trung Quốc sử dụng hai mẫu máy xúc chân nhện được sản xuất bởi Công ty Máy Xây dựng XCMG ở tỉnh Giang Tô. Một mẫu máy nặng 11 tán và có thể di chuyển 10km/h, mẫu còn lại có thể tự hoạt động mà không cần người lái. Chúng thường được sử dụng trong các hoạt động cứu hộ khẩn cấp.

Trung Quốc và Ấn Độ trong những năm gần đây đều đã nâng cấp cơ sở hạ tầng dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế, biên giới chưa được phân định giữa hai nước.

Việc xây dựng đã dẫn tới nhiều cuộc đụng độ giữa binh lính hai bên, trong đó có vụ ẩu đả ở Thung lũng Galwan hôm 15/06 khiến ít nhất 20 lính Ấn Độ thiệt mạng. Trung Quốc hiện vẫn chưa công bố con số thương vong trong vụ việc này.

Sau khi vụ việc xảy ra, quân đội hai bên đã đồng ý rút quân, tuy vậy cả hai vẫn tiếp tục triển khai lực lượng tiếp viện, cho thấy nhu cầu nâng cấp cơ sở hạ tầng ở khu vực.

Việc thi công đường sá và cơ sở hạ tầng tại khu vực được coi là "mái nhà thế giới" không dễ dàng, bởi độ cao hơn 4.000 mét và địa hình hiểm trở cùng điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Bên cạnh đó, khu vực cũng hay xảy ra động đất, sạt lở và lũ lụt.

Ngay cả việc vận chuyển máy móc xây dựng lên khu vực này cũng rất nguy hiểm. Tháng trước hai người bên phía Ấn Độ đã bị thương khi một cây cầu bất ngờ đổ sập đúng lúc xe tải của họ đi qua. Chiếc xe tải này chở máy xúc được sử dụng để xây dựng một con đường từ làng Milam tới biên giới với Trung Quốc ở bang Uttarakhand.

Dù vậy, quân đội Trung Quốc đã tăng cường hiện diện tại khu vực, với các máy hạng nặng được đưa đến dù không có đường sá. Hoạt động xây dựng cũng đang được triển khai nhanh chóng.

Linh Giang (Nguoiduatin.vn)