Thế giới

Quân đội Myanmar thuê cựu điệp viên để liên lạc với Mỹ, tiết lộ nguyên nhân chính biến

Cựu điệp viên Israel xác nhận được trả một "khoản lớn" và sẽ nhận thêm tiền thưởng nếu các lệnh trừng phạt nhắm vào các lãnh đạo quân đội Myanmar được dỡ bỏ.

Thành tích bảo vệ cho các thân chủ gây tranh cãi

Đối mặt với sự lên án của phương Tây, giới quân đội Myanmar đang tìm cách tái xây dựng hình ảnh với nước ngoài, bằng cách thuê một cựu điệp viên quân đội Israel làm nhà vận động hành lang với thành tích bào chữa cho nhiều khách hàng gây tranh cãi.

Ari Ben-Menashe, nhà vận động hành lang Canada gốc Israel, sinh ra ở Tehran, được quân đội Myanmar thuê vào tuần trước để hỗ trợ giải thích tình trạng thật sự ở Myanmar.

Ông xác nhận hợp đồng này trong cuộc phỏng vấn, tuyên bố được trả một "khoản lớn" và sẽ nhận thêm khoản tiền thưởng nếu các lệnh trừng phạt nhắm vào các lãnh đạo quân đội Myanmar được dỡ bỏ.

Ben-Menashe cho biết, công ty tư vấn chính trị của ông Dickens & Madson Canada được các tướng lĩnh Myanmar thuê để giúp họ liên lạc với Mỹ và các nước khác đã hiểu lầm về giới quân đội.

Quân đội Myanmar thuê cựu điệp viên để liên lạc với Mỹ, tiết lộ nguyên nhân chính biến
Ông Ari Ben-Menashe đến Zimbabwe hồi năm 2002. Ảnh: AP.

Cựu điệp viên Israel cho biết, các tướng lĩnh Myanmar đã bị hiểu nhầm khi cảnh sát tiếp tục nổ súng vào người biểu tình.

Trong thời gian hành nghề một thập kỷ, Ari Ben-Menashe, từng là nhà môi giới vũ khí, làm việc cho nhà lãnh đạo lâu năm Robert Mugabe của Zimbabwe, người bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự tháng 11/2017 sau ba thập kỷ nắm quyền và sau đó qua đời vào năm 2019, cũng như chính quyền quân đội Sudan và các ứng viên Tổng thống ở Venezuela, Tunisia…

Ông Ben-Menashe, 69 tuổi, lần đầu tiên nổi tiếng ở Mỹ vì cáo buộc rằng ứng cử viên tổng thống Ronald Reagan khi đó đã âm mưu với các nhà cách mạng Iran không thả con tin Mỹ trong chiến dịch tranh cử năm 1980 nhằm chống lại ông Jimmy Carter.

Ông cũng được trích dẫn trong các báo cáo rằng đã giúp môi giới bán vũ khí trong vụ Iran-Contra, trong đó các quan chức cấp cao của Mỹ bán vũ khí cho Iran để tài trợ cho một cuộc chiến bí mật chống lại các nhóm cánh tả ở Mỹ Latinh.

Nguyên nhân thật sự của cuộc chính biến?

Thông điệp mà ông Ben-Menashe đang thúc đẩy bao gồm cả việc nhà lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi, người bị quân đội bắt giữ vào ngày 1/2, đã đẩy đất nước lún sâu hơn vào sự ảnh hưởng của Trung Quốc.

Thông tin về hợp đồng này được đưa ra trong bối cảnh các cuộc biểu tình phản đối cuộc binh biến tiếp tục diễn ra ở nhiều thành phố hôm Chủ nhật, sau khi lực lượng an ninh tiến hành cuộc bố ráp xuyên đêm.

Liên đoàn công nhân Myanmar đã kêu gọi một cuộc đình công trên toàn quốc bắt đầu từ thứ Hai, với mục đích nhằm gây ra tình trạng "đóng cửa hoàn toàn, kéo dài" của nền kinh tế nhằm đảo ngược cuộc binh biến.

Trong các cuộc phỏng vấn vào cuối tuần này, ông cho biết, quân đội Myanmar đã phát động cuộc chính biến ngày 1/2 để ngăn chính phủ do dân sự lãnh đạo tiến xa hơn vào quỹ đạo của Trung Quốc.

Trả lời Reuters, ông Ben-Menashe nói, giới quân đội muốn tiến gần hơn về phía phương Tây và Mỹ thay vì cố gắng xích lại gần hơn với Trung Quốc. "Họ không muốn trở thành một con rối của Trung Quốc", ông nói.

Ben-Menashe nói rằng bà Aung San Suu Kyi cũng có vai trò quan trọng trong việc người Rohingya bị phân biệt đối xử.

Ben-Menashe nói với Reuters rằng chính quyền quân đội có thể chứng minh cuộc bỏ phiếu bị gian lận và người dân tộc thiểu số bị ngăn bỏ phiếu, nhưng không cung cấp bằng chứng. Tuy nhiên, các nhà quan sát bầu cử cho biết không có bất thường lớn nào trong cuộc bầu cử tại Myanamr.

Ông cũng nói rằng trong 2 chuyến thăm Myanmar kể từ sau cuộc đảo chính, "tình trạng hỗn loạn không lan rộng như vậy" và phong trào biểu tình không được hầu hết người dân Myanmar ủng hộ.

Ông cho biết cảnh sát đang giải quyết các cuộc biểu tình chứ không phải quân đội, bất chấp các bức ảnh và video ghi lại hình ảnh các binh sĩ có vũ trang tại các cuộc biểu tình. Ông cho rằng quân đội được bố trí tốt nhất để giám sát sự phục hồi nền dân chủ sau cuộc đảo chính mà quân đội đã tổ chức.

"Họ muốn thoát ra khỏi chính trị hoàn toàn, nhưng đó là một quá trình", ông nói.

Theo Minh Khôi (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)




https://doanhnghieptiepthi.vn/quan-doi-myanmar-thue-cuu-diep-vien-de-lien-lac-voi-my-tiet-lo-nguyen-nhan-chinh-bien-161210803203009186.htm