Thế giới

Quân đội Ấn Độ muốn mua gấp 33 tiêm kích Nga

Không quân Ấn Độ đang hối thúc chính phủ mua thêm 12 tiêm kích Su-30MKI và 21 MiG-29 trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc tăng cao.

"Không quân Ấn Độ đã nghiên cứu kế hoạch này từ lâu, nhưng họ đang đẩy nhanh tiến độ và kế hoạch mua sắm trị giá hơn 787 triệu USD sẽ được trình lên Bộ Quốc phòng vào tuần sau", nguồn tin giấu tên trong chính phủ Ấn Độ hôm nay tiết lộ.

Theo đề xuất mua sắm, 12 tiêm kích đa năng Su-30MKI mua mới sẽ thay thế các phi cơ gặp tai nạn trong những năm gần đây. New Delhi đã mua tổng cộng 272 tiêm kích Su-30MKI và nhận bàn giao từng lô trong 10-15 năm. Các quan chức cấp cao Ấn Độ cho rằng con số trên hiện đáp ứng được yêu cầu về tiêm kích hạng nặng của nước này.

Quân đội Ấn Độ muốn mua gấp 33 tiêm kích Nga
Tiêm kích Su-30MKI Ấn Độ. Ảnh: IAF.

Trong khi đó, 21 chiếc MiG-29 sẽ giúp lấp chỗ trống của các trung đoàn tiêm kích MiG-21 và MiG-27 đang bị loại biên. Máy bay sẽ được lấy từ kho niêm cất của quân đội Nga và nâng cấp theo yêu cầu của Ấn Độ, nhằm bảo đảm khả năng giao hàng trong thời gian ngắn nhất.

Mỗi chiếc MiG-29 sẽ có giá 40 triệu USD, gồm cả chi phí vũ khí, trang bị kỹ thuật và huấn luyện. Các tiêm kích MiG-29 dự kiến được nâng cấp lên chuẩn hiện đại nhất, bổ sung khả năng tấn công mặt đất chính xác, lắp nhiều hệ thống điện tử và vũ khí mới, cũng như tăng bán kính chiến đấu.

Không quân Ấn Độ hiện vận hành ba trung đoàn MiG-29, phần lớn đã trải qua nâng cấp tăng hạn và đảm nhận vai trò phòng không, trong khi các đơn vị Su-30MKI sở hữu tầm bay xa và tải trọng lớn chuyên chiếm ưu thế trên không, làm chủ không phận và tấn công mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ đối phương.

Đề xuất tăng năng lực không quân được đưa ra sau khi binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc hôm 15/6 ẩu đả tại thung lũng Galwan, khu vực tranh chấp giữa hai nước, khiến ít nhất 20 quân nhân Ấn Độ thiệt mạng. Trung Quốc chưa công bố con số thương vong, dù truyền thông Ấn Độ đưa tin khoảng 35-43 binh sĩ Trung Quốc đã chết hoặc bị thương nặng.

Đây được coi là vụ đụng độ tồi tệ nhất giữa hai bên trong 4 thập kỷ, trong khi giới chuyên gia cảnh báo khu vực Ladakh nói chung và thung lũng Galwan nói riêng có thể trở thành điểm nóng địa chính trị mới tại Nam Á trong những năm tới.

Trung Quốc và Ấn Độ hôm 17/6 cố gắng giảm căng thẳng ở khu vực biên giới. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar điện đàm, nhất trí "hạ nhiệt tình hình" và "không làm leo thang vấn đề", bất chấp hai nước còn tranh cãi xung quanh vụ ẩu đả.

Theo Vũ Anh (VnExpress.net)




https://vnexpress.net/quan-doi-an-do-muon-mua-gap-33-tiem-kich-nga-4118044.html