Thế giới

Quan chức đảng Cộng Hòa cân nhắc khả năng bãi miễn tổng thống Trump

Một số lãnh đạo đảng Cộng Hòa và quan chức Nội các tiết lộ với CNN rằng họ tin tổng thống Donald Trump cần bị phế truất trước ngày 20/01.

Bốn người trong số này kêu gọi kích hoạt Tu chính án 25 của Hiến pháp Mỹ, trong khi hai người khác nói tổng thống cần bị phế truất

"Ông ta cần bị phế truất và tước quyền," một quan chức đảng Cộng Hòa nói.

Một cựu quan chức cấp cao cũng cho rằng hành động của tổng thống Trump là đủ nghiêm trọng để xem xét tước bỏ quyền lực của ông, dù nhiệm kỳ của ông chỉ còn khoảng hai tuần.

"Tôi nghĩ đây là một cú sốc lớn đối với hệ thống chính trị. Các bạn để ông ấy tiếp tục nắm quyền như thế nào trong hai tuần nữa sau chuyện này?" vị cựu quan chức nói.

Nếu phế truất và tước quyền tổng thống Trump, ngay cả khi nhiệm kỳ của ông sắp kết thúc, Thượng viện Mỹ sau đó có thể tiếp tục bỏ phiếu ngăn ông Trump ra tranh cử đối với bất kỳ vị trí nào của liên bang.

Quan chức đảng Cộng Hòa cân nhắc khả năng bãi miễn tổng thống Trump
Người biểu tình ủng hộ tổng thống Trump xông vào tòa nhà Quốc hội Mỹ (Ảnh: Getty)

Trong khi đó, để kích hoạt Tu chính án 25 của Hiến Pháp Mỹ, phó tổng thống Mike Pence và đa số thành viên Nội các cần bỏ phiếu để tước quyền của ông Trump trên cơ sở ông không có đủ năng lực để "thực hiện thẩm quyền và nghĩa vụ tổng thống" - một động thái chưa có tiền lệ.

CNN dẫn nguồn thạo tin của đảng Cộng Hòa cho biết một số thành viên nội các đã thảo luận ban đầu về việc kích hoạt Tu chính án 25. Các thảo luận này đang diễn ra, dù vậy vẫn chưa rõ liệu có đủ thành viên Nội các ủng hộ việc tước quyền của ông Trump hay không. Một số thượng nghị sĩ đã biết về các cuộc thảo luận này, nguồn tin cho biết.

Chỉ vài phút sau khi người biểu tình xông vào tòa nhà quốc hội Mỹ hôm 06/01, các thành viên đảng Cộng Hòa đã cân nhắc phế truất tổng thống Trump, dù trong phiên tòa luận tội hồi năm ngoái họ đã tha bổng cho ông.

Nhiều thành viên đảng Cộng Hòa cũng lên tiếng chỉ trích ông Trump. Cựu tổng thống George W. Bush, người không phải là tâm điểm chú ý của truyền thông, ra thông báo chỉ trích gọi vụ việc là một "cuộc nổi loạn" tại điện Capitol, mô tả "khung cảnh ghe tởm và đáng buồn".

Dù không nhắc tới tên tổng thống Trump, ông Bush cho biết ông "kinh ngạc trước hành vi liều lĩnh của một số lãnh đạo chính trị từ khi cuộc bầu cử diễn ra, và trước việc thiếu tôn trọng thể chế, truyền thống và lực lượng thực thi pháp luật".

Thượng nghị sĩ Mitt Romney, người từng bỏ phiếu kết tội tổng thống Trump trong một điều khoản của phiên tòa luận tội hồi năm ngoái, gọi ông Trump là "kẻ ích kỷ", cáo buộc ông Trump "cố tình đưa thông tin sai lệch cho người ủng hộ" về cuộc bầu cử. Ông Romney cũng gọi vụ việc ở Đồi Capitol là "vụ nổi loạn", đồng thời đổ lỗi cho ông Trump đã "kêu gọi người ủng hộ hành động trong buổi sáng hôm nay".

Thượng Nghị sĩ Liz Cheney cũng bày tỏ phẫn nộ và thất vọng với tổng thống Trump.

"Không ghi ngờ gì, tổng thống tạo nên đám đông hỗn loạn đó. Tổng thống kích động đám đông, tổng thống phát biểu trước đám đông. Ông ấy châm ngòi," bà Cheney nói trên kênh Fox News.

Thượng nghị sĩ Tom Cotton, được coi là đồng minh thân cận của ông Trump cho rằng "đã quá hạn để tổng thống chấp nhận kết quả bầu cử, ngừng mang thông tin sai lệch tới cho người dân Mỹ và từ bỏ bạo lực đám đông".

"Tổng thống cần chấm dứt ngay điều này. Hãy chấm dứt điều này. Mọi chuyện đã kết thúc. Cuộc bầu cử đã kết thúc," Hạ Nghị sĩ Mike Gallagher nói trên kênh CNN.

Hạ Nghị sĩ Adam Kinzinger chỉ trích việc tổng thống Trump đăng thông điệp trên Twitter kêu gọi người biểu tình tại Đồi Capitol "tiếp tục ôn hòa".

"Đó là sự hèn nhát. Ông ấy cần đứng dậy và nói, tôi đã thất cử, hãy để quá trình kiểm phiếu được tiếp tục," ông Kinzinger nói với CNN.

Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)