Thế giới

Quá khứ lẫy lừng trên thị trường tài chính của Tổng thống Pháp

Khi Emmanuel Macron nói với bạn bè năm 2008, rằng ông sẽ gia nhập Rothschild - một trong những hệ thống ngân hàng lớn nhất châu Âu, công chức 30 tuổi này đã nhận được lời tiên đoán: Đó có thể là khởi đầu cho sự nghiệp chính trị tương lai.

Khi Emmanuel Macron nói với bạn bè năm 2008, rằng ông sẽ gia nhập Rothschild - một trong những hệ thống ngân hàng lớn nhất châu Âu, công chức 30 tuổi này đã nhận được lời tiên đoán: Đó có thể là khởi đầu cho sự nghiệp chính trị tương lai.

 

Vị công chức trẻ tuổi khi đó không mấy chú ý đến nhận định này và tập trung vào việc tìm hiểu các nghiệp vụ tài chính liên quan đến tái cấu trúc nợ và mua bán – sáp nhập (M&A), khi đầu quân cho Rothschild.

Ở tuổi 34, Macron đã kiếm được 2,9 triệu euro khi tư vấn cho thương vụ 12 tỷ USD, giúp Nestlé mua lại một phần của Pfizer vào năm 2012. Bản thân Macron cũng tự nhận thấy Rothschild chính là trung tâm của các kế hoạch kinh doanh tại Pháp. Ông liên tục nâng cao kiến thức chuyên môn, mở rộng quan hệ trong giới tài chính, để điều này đã trở thành nền tảng quan trọng cho sự thành công sau này.

Lý do đa số dân Pháp bầu cho Macron

'Mozart' của giới tài chính Pháp

Các đồng nghiệp cũ tại Rothschild và khách hàng từng làm việc với Macron mô tả ông là một người có tham vọng, học nhanh và có khả năng thấu hiểu. Là sinh viên tốt nghiệp trường ENA - nơi xuất thân của nhiều lãnh đạo nước Pháp, Macron được được đề cử tới Rothschild bởi một số cựu sinh viên, bao gồm François Henrot - đối tác lâu năm của nhà băng. Tuy nhiên những gì nhà tài chính trẻ tuổi thể hiện ban đầu không thực sự ấn tượng.

"Anh ấy là người luôn nói cảm ơn", một đồng nghiệp cũ của tân Tổng thống Pháp nhớ lại. "Macron không biết EBITDA (thu nhập trước thuế, trả lãi và khấu hao) là gì, nhưng anh ta cũng không giấu giếm điều này. Thay vì tìm kiếm nó trong một cuốn sách tài chính công ty, Macron hỏi những người xung quanh...".

Một đối tác từng gặp Macron vài lần nói rằng tham vọng của ông luôn luôn là "đi trước người khác 2 bước nhờ kinh nghiệm của bản thân". Cũng cần nói thêm rằng: "Khi bạn thông minh như ông ấy có nghĩa là bạn đã làm tốt 98% thời gian, nhưng điều đó cũng có nghĩa là trong 2% thời gian còn lại bạn có thể sẽ mắc lỗi. Và Macron đã cố gắng để tránh bất kỳ vấn đề gì trong khoảng thời gian 2% đó".

 

Alain Minc, một cố vấn đã giúp đỡ Macron trong việc tái cấu trúc nợ cho Tập đoàn truyền thông Tây Ban Nha - Prisa, nói: "Anh ấy không biết gì cả nhưng anh ấy hiểu mọi thứ”.

Macron cũng là một thành viên của nhóm Rothschild đã tư vấn cho Thierry Breton - cựu Giám đốc điều hành của công ty công nghệ Atos - trong việc mua một bộ phận công nghệ thông tin của Siemens vào 2010. Bốn năm sau, chính ông này đã trở thành Bộ trưởng Kinh tế.

“Đối với thương vụ của Atos, Macron đã có một vai trò khá khiêm tốn, ông được yêu cầu làm lại các mô hình tài chính trên Excel - những điều cơ bản", một cố vấn Rothschild nhắc lại. Nhưng chỉ một vài ngày sau khi thỏa thuận được công bố, Macron đã trở thành cộng sự của họ. Vài tháng sau, ông khiến đồng nghiệp và đối thủ choáng váng bằng cách giành được thương vụ M&A giữa Neslé và Pfizer.

Khi đó, Lazard - đối thủ cạnh tranh của Rothschild ở Paris và là một tổ chức đứng đầu về các thương vụ xuyên biên giới - đã có cơ hội giành hợp đồng M&A này. Nhưng may mắn đã “mỉm cười” với Macron khi Lazard gặp phải xung đột lợi ích khi nhà sản xuất sữa chua của Pháp - Danone, một khách hàng khác của hãng này cũng đang chú ý đến thương vụ.

Macron, nhờ có ấn tượng tốt với chủ tịch Nestlé - Peter Brabeck-Letmathe đã có được bản hợp đồng. Trước đó, vị này từng tham gia vào một hội thảo về cải cách kinh tế Pháp và Macron từng đóng vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị các báo cáo cho sự kiện này.

Tại Rothschild, Macron cũng đã học được cách làm chủ nghệ thuật xây dựng mối quan hệ và nhìn nhận sự việc xung quanh, do nơi đây luôn phải xử lý những mâu thuẫn trong giới kinh doanh Paris. Bản thân ông cũng sử dụng tốt các mối liên hệ với tư cách là một Inspecteur des Finances - nhóm sinh viên ưu tú tốt nghiệp từ ENA.

 

Yếu tố kinh tế trong ván cờ chính trị

Đến nay, nước Pháp vẫn còn chịu những dư âm do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, và quá trình làm việc 4 năm tại một ngân hàng đầu tư đã khiến Macron trở thành mục tiêu dễ dàng cho các đối thủ trong một cuộc tranh cử với quá khứ liên quan đến thị trường tài chính.

Nhà lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen, người đối mặt với ông Macron trong cuộc chạy đua tới Điện Elysee vào tháng 5, đã miêu tả ông là "ứng viên của giới tài chính". Nhà lãnh đạo đảng Xã hội Benoît Hamon đã yêu cầu ông Macron tiết lộ danh sách các nhà tài trợ giàu có, trong khi ông Jean-Luc Mélenchon đã chỉ ra rằng "quyền lực của đồng tiền" là yếu tố đằng sau sự ứng cử của ông.

Lãnh đạo Đảng Tiến lên (En Marche) nói rằng, mối liên hệ kinh doanh của ông sẽ không ảnh hưởng đến các chính sách. "Tôi tự do !", Macron nhấn mạnh khi phải “chiến đấu” chống lại các cuộc tấn công từ đối thủ trong một phiên tranh luận trên truyền hình vào tuần trước.

Niềm hy vọng của vị chính trị gia này là việc có đắc cử, ông cũng không phải Tổng thống đầu tiên của nước Pháp có kinh nghiệm về tài chính. Georges Pompidou đã làm việc tại 8 năm, trước khi trở thành người kế nhiệm của Charles de Gaulle tại Điện Elysee trong những năm 1960. Theo Luc Rouban - Giáo sư của khoá học Po Cevipof - cuộc khủng hoảng nợ ở khu vực đồng euro, sự nghi ngờ về tài chính và chủ nghĩa tư bản đã tạo ra lợi thế cho tân Tổng thống Pháp.

"Trong khi hầu hết ứng cử viên đều có xu hướng cực đoan, thì Macron trông giống như ứng viên của tầng lớp tinh hoa toàn cầu hóa”, Giáo sư Rouban nhận xét.

Cơ hội mới cho nước Pháp

 
 

Chưa bao giờ trong lịch sử hiện đại, người Pháp lại lựa chọn một nhà lãnh đạo có tư tưởng tự do về kinh tế và chính trị hài hòa như Macron. Thắng lợi của ông được coi là biểu tượng cho các "giá trị của nền Cộng hòa Pháp", dù ông vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều chông gai phía trước.

Là một nhà kỹ trị, Macron chủ trương theo đuổi chính sách kinh tế rất tham vọng. Ông muốn đầu tư 50 tỷ euro trong 5 năm để đầu tư cho dạy nghề, công nghệ xanh, hiện đại hóa hệ thống y tế, nông nghiệp, nền hành chính công và cơ sở hạ tầng. Ông muốn giảm thuế cho doanh nghiệp, hứa hẹn hãm đà tăng chi phí bảo hiểm y tế, cải cách bảo hiểm thất nghiệp và áp dụng công nghệ số cho các cơ quan nhà nước.

Ông cũng muốn cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà, nhiêu khê, chẳng hạn như đơn giản hóa quy trình xin giấy phép lái xe, vốn kéo dài tới một năm cùng khoản chi phí 3.000-4.000 euro, khiến nhiều thanh niên không có bằng lái để đi làm ở xa.

"Đây có thể là điều người Pháp trông mong ở tân Tổng thống của mình. Ông ấy là người sẵn sàng để lãnh đạo, giống như Charles De Gaulle, người giữ chức tổng thống Pháp giai đoạn 1959-1969", Laurent Bigorgne - chuyên gia phân tích quen biết Macron nhiều năm, nhận định.

Macron tin rằng ông có thể xây dựng một nước Pháp mới mẻ mà không làm tổn thương đến ai. Nhưng thực tế mà ông đối mặt sau khi trở thành Tổng thống có thể phũ phàng hơn nhiều. Kết quả bầu cử vòng một cho thấy rất nhiều cử tri Pháp không hề tin vào thị trường tự do. Với nhiều người dân Pháp, "chủ nghĩa tự do" vẫn là một thứ gì đó rất xa vời.

Theo Minh Sơn (VnExpress.net)