Thế giới

Putin nói Kim Jong-un sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân nếu được đảm bảo an ninh

Tổng thống Nga cho hay Triều Tiên sẵn sàng phi hạt nhân hóa ở mức độ nhất định, nhưng phải được đảm bảo về an ninh và chủ quyền.

Putin nói Kim Jong-un sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân nếu được đảm bảo an ninh
Kim Jong-un (trái) và Vladimir Putin tại hội nghị thượng đỉnh Nga - Triều lần thứ nhất hôm 25/4 ở Vladivostok. Ảnh: Kremlin.

Sau hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên với lãnh đạo Triều Tiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 25/4 trả lời báo chí rằng ưu tiên chính của Kim Jong-un trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ là "đảm bảo an ninh và chủ quyền".

"Phi hạt nhân hóa có nghĩa là Triều Tiên sẵn sàng giải trừ vũ khí ở một mức độ nhất định", Putin nói. "Nhưng Kim Jong-un trên tất thảy quyết tâm bảo vệ lợi ích quốc gia và giữ vững an ninh", theo một văn bản đăng trên trang web của Điện Kremlin dẫn lời Tổng thống Nga.

Putin cho rằng còn quá sớm để nói chi tiết về những đảm bảo an ninh đó sẽ như thế nào nhưng các bên cần hành động để củng cố niềm tin. Tổng thống Nga ám chỉ Mỹ chịu trách nhiệm cho việc đổ vỡ niềm tin khi nhắc lại cuộc đàm phán 6 bên do Trung Quốc chủ trì dưới thời cựu tổng thống Mỹ George Bush.

Cuộc đàm phán 6 bên năm 2005 đã đạt được bước đột phá khi Triều Tiên "cam kết từ bỏ tất cả vũ khí hạt nhân và các chương trình hạt nhân hiện tại" còn Mỹ khẳng định không triển khai vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và không có ý định sử dụng cả vũ khí thông thường lẫn hạt nhân để "tấn công hoặc xâm lược" Triều Tiên. Tuy nhiên, các bên sau đó không thống nhất được phương thức kiểm chứng việc thực thi cam kết. Năm 2009, Triều Tiên rút khỏi đàm phán 6 bên với Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Hàn Quốc.

"Vì một vài lý do, người Mỹ đột ngột quyết định rằng những điều khoản quy định trong thỏa thuận năm 2005 là chưa thấu đáo và cần phải bổ sung thêm một số điều khoản khác", Tổng thống Putin nói. "Nếu chúng ta hành động như vậy, nếu chúng ta tiến một bước và lùi hai bước, chúng ta sẽ thất bại trong việc đạt được kết quả mong muốn". 

Tổng thống Putin cho rằng các bên cần hành động cẩn trọng và tôn trọng lợi ích của nhau. Tổng thống Nga không rõ về tương lai nối lại đàm phán 6 bên, nhưng khẳng định Kim Jong-un muốn bất cứ biện pháp an ninh nào đều là "đảm bảo mang tính quốc tế", chứ không đơn giản là thỏa thuận song phương. 

Tổng thống Nga cho biết ông sẽ thông báo với Mỹ về nội dung thảo luận giữa ông và lãnh đạo Triều Tiên, đồng thời tiết lộ chính Kim Jong-un đã nhờ Tổng thống Nga truyền đạt lại quan điểm của mình tới Washington.

Mặc dù Kim Jong-un không dự họp báo chung với Tổng thống Putin sau hội nghị thượng đỉnh, lãnh đạo Triều Tiên nói tại bữa tối rằng hai bên đã thảo luận về vấn đề "đảm bảo hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên và trong khu vực" đồng thời nhấn mạnh khao khát "tăng cường và phát triển mối quan hệ thân thiện, truyền thống và chiến lược" với Nga.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói trên kênh CBS rằng con đường ngoại giao phía trước "chông gai" và "thách thức" nhưng vẫn nhìn thấy tương lai phi hạt nhân hóa hoàn toàn. "Mỹ từng chuyển cho Triều Tiên rất nhiều tiền để đổi lại rất ít", Ngoại trưởng Mỹ nói. "Chúng tôi quyết tâm không lặp lại sai lầm này. Tôi nghĩ Triều Tiên giờ đây đã hiểu rất rõ điều đó". 

Theo An Hồng (VnExpress.net)