Thế giới

Phòng chat ẩn danh là nơi hoạt động lý tưởng của các loại tội phạm ở Hàn Quốc

Vì không cần công khai danh tính, người tham gia các phòng chat mở ở Hàn Quốc có thể bình luận kích động, thực hiện hành vi phạm tội mà không sợ bị phát hiện.

Trong một phòng trò chuyện trực tuyến mở có tên "Gore Professionals" trên KakaoTalk - ứng dụng nhắn tin di động phổ biến nhất Hàn Quốc - những người dùng ẩn danh đã chia sẻ hình ảnh và video ghi lại cảnh nhiều con mèo hoang bị tra tấn và giết hại dã man, theo Korea Times.

Ngày 7/1, một bản kiến ​​nghị được đăng trên trang web của văn phòng tổng thống kêu gọi trừng phạt nghiêm khắc những người tham gia phòng chat này. Tính đến 13/1, hơn 230.000 người đã ký vào bản kiến nghị, vượt mốc tối thiểu (200.000 chữ ký) để được chính phủ phản hồi.

Phòng chat ẩn danh là nơi hoạt động lý tưởng của các loại tội phạm ở Hàn Quốc
Phòng chat bí ẩn là nơi hoạt động lý tưởng của các loại tội phạm ở Hàn Quốc.

"Những 'con quỷ' trong phòng trò chuyện đã bạo hành dã man những con mèo như thể tìm thấy niềm vui trong đó”, đơn kiến nghị viết.

Nhóm bảo vệ quyền động vật cũng kêu gọi chính phủ đưa ra các hình phạt nghiêm khắc cho những kẻ bạo hành động vật. Nhiều người còn gọi đây là phiên bản khác của "Phòng chat thứ N" - vụ án người dùng chia sẻ các video bóc lột, bạo lực tình dục phụ nữ và trẻ em gái trong các phòng trò chuyện Telegram.

Nhiều ý kiến ​​cho rằng chính phủ Hàn Quốc cần nhanh chóng đưa ra các quy định quản lý vì người dùng thường tận dụng tính ẩn danh khi trò chuyện trên các phòng chat mở.

Những phòng chat này có thể dễ dàng được tạo bởi bất kỳ ai mà không cần các thủ tục chứng nhận riêng và số người tham gia ngày càng tăng vì không cần công khai danh tính.

Nhiều giao dịch tiền bất hợp pháp cũng đang diễn ra trên các phòng trò chuyện nguy hiểm này. Những kẻ cho vay nặng lãi sử dụng chúng để liên hệ với người cần tiền và yêu cầu lãi suất cao hơn giới hạn luật định.

Năm 2019, khi thông báo sẽ truy quét các video bất hợp pháp trong phòng trò chuyện mở, Bộ Bình đẳng Giới và Gia đình Hàn Quốc đã vấp phải chỉ trích, bị cho là "kiểm duyệt quá mức".

Dù ban đầu giải thích rằng sẽ chỉ ngăn chặn các phòng trò chuyện chia sẻ nội dung bất hợp pháp, cơ quan này sau đó vẫn phải từ bỏ kế hoạch vì sự chỉ trích dữ dội trong công chúng.

Tuy nhiên, vì việc quản lý các nhóm chat thường dựa trên tố cáo của người dùng nên dù có biết để xử lý thì hoạt động bất hợp pháp đó cũng đã xảy ra.

Đức Minh (nguoiduatin.vn)