Thế giới

Philippines 'bất mãn' sau khi Kuwait trục xuất đại sứ

Căng thẳng ngoại giao giữa hai quốc gia bắt nguồn từ thông tin lao động của Philippines bị bóc lột và lạm dụng ở thị trường Kuwait.

Philippines 'bất mãn' sau khi Kuwait trục xuất đại sứ
Người lao động Philippines đứng xếp hàng tại sân bay Ninoy Aquino ở thủ đô Manila Philippines vào ngày 23/2/ 2018. Ảnh: Reuters.

Bộ Ngoại giao Philippines cho biết đã "gửi công hàm ngoại giao tới Đại sứ quán Kuwait bày tỏ sự bất ngờ và rất không hài lòng về tuyên bố của Kuwait không hoan nghênh đại sứ Philippines", Reuters hôm nay đưa tin.

Căng thẳng ngoại giao giữa hai quốc gia đã âm ỉ kéo dài suốt ba tháng qua sau khi có thông tin nhiều lao động giúp việc người Philippines bị chủ Kuwait ngược đãi và dồn đến đường cùng phải tự tử. 

Theo thống kê của chính phủ Philippines, hiện có khoảng 260.000 người lao động nước này làm việc tại Kuwait, 65% trong số đó làm giúp việc trong các gia đình. Hồi tháng hai, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ra lệnh cấm đưa người tới Kuwait làm việc sau khi xác một người giúp việc Philippines được tìm thấy trong tủ lạnh tại một căn nhà bỏ hoang.

Kuwait ngày 25/4 bất ngờ yêu cầu đại sứ Philippines trong vòng một tuần phải rời khỏi quốc gia này và triệu phái đoàn ngoại giao ở Philippines về nước sau khi Ngoại trưởng Philippines tuyên bố "buộc phải giúp đỡ" người lao động hồi hương vì một số trường hợp đang bị nguy hiểm đến tính mạng.

Bộ Ngoại giao Philippines ngày 25/4 triệu tập đại sứ Kuwait Musaed Saleh Ahmad Althwaikh để yêu cầu giải thích về hành động của Kuwait nhưng được thông báo rằng ông Althwaikh đã rời Philippines từ chiều hôm trước.

Manila đồng thời lên án việc Kuwait phát lệnh bắt ba nhà ngoại giao và đang giam giữ 4 nhân viên làm việc cho Đại sứ quán Philippines. Theo hãng tin nhà nước Kuwait, cơ quan chức năng cũng đã bắt giữ hai người Philippines vì cáo buộc xúi giục lao động giúp việc bỏ trốn về nước.

Lao động nước ngoài làm việc ở nhiều quốc gia vùng Vịnh buộc phải giao nộp hộ chiếu và bị chủ thuê kiểm soát chặt chẽ. Tổ chức nhân quyền và ân xá quốc tế từ lâu đã chỉ trích chính phủ các nước này không có quy định để bảo vệ những người làm nghề giúp việc có thu nhập thấp. 

Theo An Hồng (VnExpress.net)