Thế giới >> COVID-19 (nCoV)

Phát hiện 'họ hàng gần gũi' của virus SARS-CoV-2 trên loài dơi

Các nhà khoa học đã tìm thấy "họ hàng gần gũi" của SARS-CoV-2, một phát hiện được đánh giá sẽ tăng thêm sức nặng cho giả t thuyết chủng virus này tiến hóa tự nhiên.

Trong một nghiên cứu đã được bình xét và đăng tải trên tuần san Current Biology, các nhà nghiên cứu Trung Quốc và Australia đã tìm thấy hai chủng virus có cùng một đặc tính quan trọng với SARS-CoV-2, chủng virus gây ra Covid-19.

Theo các nhà nghiên cứu, phát hiện này cho thấy những đặc tính của virus có thể đã tiến hóa tự nhiên, không phải là kết quả của quá trình chỉnh sửa gene do con người thực hiện.

Phát hiện 'họ hàng gần gũi' của virus SARS-CoV-2 trên loài dơi
Ảnh minh họa: AFP

Nhóm nghiên cứu phát hiện chủng virus "họ hàng gần gũi" với SARS-CoV-2, được đặt tên là RmYN02, trên 227 mẫu lấy từ loài dơi ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) trong giai đoạn từ tháng 05 tới tháng 10 năm ngoái.

Giống như SARS-CoV-2, RmYN02 cũng có axit amin ở đoạn chèn tại các tiểu phần của protein gai. Những đoạn chèn này được đánh giá đã làm tăng khả năng gây bệnh của SARS-CoV-2, và trước đây được cho là rất hiếm gặp trong tự nhiên, làm nảy sinh giả thuyết nguồn gốc virus có thể từ phòng thí nghiệm, theo một trong các tác giả của nghiên cứu.

"Phát hiện của chúng tôi cho thấy những đoạn chèn này, dù ban đầu được cho là rất hiếm thấy, có thể xuất hiện tự nhiên trên betacoronavirus ở động vật," Shi Weifeng, giám đốc Viện Sinh học Mầm bệnh tại Đại học Y Số 1 Sơn Đông cho biết.

"Điều này cung cấp bằng chứng mạnh mẽ chống lại giả thuyết SARS-CoV-2 thoát ra từ phòng thí nghiệm," giáo sư Shi nói thêm.

Các nhà nghiên cứu cũng xác nhận rằng loài dơi lá mũi phẳng, được tìm thấy tại miền Tây Nam Trung Quốc cũng như tại Đông Nam Á, là vật chủ của virus RmYN02. Loài dơi cũng mang nhiều chủng virus corona khác.

Dù hai chủng virus corona có nhiều điểm tương đồng về "đoạn chèn" nói trên, RmYN02 dường như ít gây nguy hiểm cho con người hơn so với SARS-CoV-2. Một trong những điểm khác biệt quan trọng là RmYN02 không có một phần quan trọng trong cấu trúc gene giúp virus SARS-CoV-2 bám vào tế bào con người.

Các axit amid tại phần chèn của hai chủng virus cũng khác biệt, và RmYN02 không phải "tổ tiên trực hệ" của SARS-CoV-2, theo các nhà khoa học.

"Vẫn còn những lỗ hổng về tiến hóa giữa các chủng virus này. Tuy vậy, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy việc lấy mẫu các loài động vật hoang dã sẽ giúp phát hiện những chủng virus thậm chí còn gần gũi hơn với SARS-CoV-2, và có thể là tổ tiên trực hệ của nó. Điều này sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về chủng virus này," Shi cho hay.

Đan Anh (Nguoiduatin.vn)