Thế giới

Phát hiện cá thể biến đổi dở dang giữa người và vượn

Việc phân tích hóa thạch đốt sống 2 triệu năm tuổi đã giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về quá trình để các loài người trở nên khác biệt với các loài vượn khác.

Nhóm các nhà khoa học từ Đại học New York, Đại học Witwatersrand và 15 tổ chức khác đã nghiên cứu xương lưng dưới được tìm thấy vào năm 2015 thuộc về một con cái Australopithecus sediba, một loài thuộc chi Người nhưng hãy còn mang phần lớn đặc điểm của một vượn nhân hình rất sơ khai.

Kết hợp với xương được tìm thấy từ trước đó của cùng một cá thể được đặt tên là "Issa", các phần xương hóa thạch tạo thành một trong những phần xương lưng dưới hoàn chỉnh nhất từng được phát hiện trong hồ sơ loài người thời kỳ đầu và tiết lộ cách họ người này di chuyển.

Phát hiện cá thể biến đổi dở dang giữa người và vượn
Hình ảnh mô phỏng chân dung Issa. Ảnh: Elisabeth Daynes/S.Entressangle

Các nhà nghiên cứu cho biết, các hóa thạch lưng dưới mới được nghiên cứu chứng minh rằng dòng giống của người phụ nữ mang tên Issa đã sử dụng chi trên để leo trèo như loài vượn và chi dưới để đi lại như con người.

"Issa đi bộ giống người nhưng có thể leo trèo như một con vượn", nhà cổ sinh vật học Lee Berger từ Đại học Witwatersrand (Nam Phi), thành viên nhóm nghiên cứu, nói.

Theo Science Alert, Issa được phát hiện ở Malapa, Nam Phi, với hóa thạch bao gồm các chuỗi đốt sống thắt lưng. Việc phân tích khung xương của Issa đã đem về những mảnh ghép còn thiếu cuối cùng về cách cột sống và các phần khác của khung xương bắt đầu biến đổi để trở thành con người hoàn toàn.

Phát hiện cá thể biến đổi dở dang giữa người và vượn - 1
Australopithecus sediba sử dụng các chi trên để leo trèo như loài vượn. Ảnh: CNN.

Ngoài chuỗi đốt sống thắt lưng, hóa thạch còn gồm một phần quan trọng là vùng đầu gối, mà góc độ xương đùi nối với đầu gối cho thấy Issa đứng thẳng. Việc tái tạo một phần cột sống bằng kỹ thuật quét CT xác nhận loài của Issa có đường cong vào trong ở cột sống thắt lưng giống như chúng ta, cũng là bằng chứng rõ ràng nhất của việc đứng thẳng. Tuy nhiên các đặc điểm khác cho thấy Issa vẫn leo trèo giỏi như vượn.

"Trong khi sự hiện diện của đường cong vào trong của cột sống thắt lưng và các đặc điểm khác của cột sống thể hiện sự thích nghi rõ ràng với việc đi bằng hai chân, có những đặc điểm khác, chẳng hạn như chiều ngang cơ thể lớn và hướng lên, cho thấy cơ bắp mạnh mẽ, có lẽ dành cho các hành vi leo trèo trên cây", Giáo sư Gabrielle Russo của Đại học Stony Brook, một trong số tác giả của nghiên cứu, cho biết.

Trước đó, Homo erectus, một loài người cổ đã tuyệt chủng, xuất hiện trên Trái Đất khoảng 1,8-2 triệu năm trước là loài đầu tiên được xác nhận di chuyển bằng cách bước đi như chúng ta và gần như từ bỏ thói quen leo trèo, đôi tay bắt đầu thuần thục với việc sử dụng công cụ. Nhưng những bước tiến hóa nào đã tạo nên Homo erectus vẫn là bí ẩn.

Issa có thể chính là câu trả lời. Dòng họ người vượn phương Nam (Australopithecus) của bà có lịch sử hàng triệu năm với các cá thể có phần khác biệt nhau, tiến hóa qua từng thời kỳ. Và rõ ràng khả năng đứng thẳng đã được phát triển ở người vượn phương Nam thời kỳ sau như Issa, bước tiến quan trọng để họ thực sự trở thành con người.

Ngoài ra, theo nhóm tác giả việc hiểu được quá trình tiến hóa của vùng lưng dưới sẽ giúp ích rất nhiều cho y học trong việc ngăn ngừa chấn thương và duy trì vùng lưng khỏe mạnh, bởi đây là một trong những khu vực dễ bị chấn thương và đau trên cơ thể người.

Minh Hoa (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/phat-hien-ca-the-bien-doi-do-dang-giua-nguoi-va-vuon-tintuc799121