Thế giới

Ông Putin phản ứng 'sai lầm' vụ cựu điệp viên Nga bị đầu độc?

Tổng thống Nga Vladimir Putin vốn được xem là một chiến lược gia bậc thầy nhưng ông có thể đã quá cứng rắn khi phản ứng vụ tấn công bằng chất độc thần kinh ở Anh.

Chỉ trong ngày 26-3, Mỹ, Canada, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Ukraine đã công bố kế hoạch trục xuất hơn 100 nhà ngoại giao Nga, nhằm ủng hộ Anh trong động thái được Thủ tướng Theresa May gọi là "đợt trục xuất tập thể nhân viên tình báo Nga lớn nhất trong lịch sử". 

Trong suốt nhiều năm, giới chức phương Tây đã phàn nàn về những trò chơi gián điệp của Nga và khả năng gieo rắc nghi ngờ cùng hỗn loạn của Điện Kremlin qua tuyên truyền. Vì vậy, ban đầu nhiều người cho rằng phản ứng của Nga trước vụ tấn công cựu điệp viên Sergei Skripal sẽ đi theo kịch bản dễ đoán trên. 

Sau khi Thủ tướng May cáo buộc Nga "rất có khả năng" đứng đằng sau vụ sát hại ông Skripal và con gái ở TP Salisbury vào đầu tháng này, các quan chức Nga lập tức phủ nhận. "Đúng là một trò xiếc" - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhạo báng. "Thật vô lý" - Tổng thống Putin phê phán, đồng thời nói thêm Nga không có động cơ hạ độc ai ngay trước bầu cử tổng thống và World Cup.

Ông Putin phản ứng 'sai lầm' vụ cựu điệp viên Nga bị đầu độc?
Tổng thống Vladimir Putin ở TP Kemerovo hôm 27-3. Ảnh: TASS

Sau đó, có rất nhiều thông tin trái ngược được công bố. Cụ thể, Nga tuyên bố đã phá hủy kho vũ khí hóa học và không có chất độc thần kinh nào tên Novichok, thứ bị Anh cáo buộc sử dụng trong vụ tấn công. Sau đó, một nhà khoa học Nga trả lời trong cuộc phỏng vấn trên truyền thông địa phương rằng ông từng nghiên cứu Novichok. Tuy nhiên, khi bài phỏng vấn được đăng lên mạng, đoạn đối thoại quan trọng nhất lại bị sửa thành: "Chương trình tạo ra vũ khí hóa học mang tên Novichok không tồn tại". 

Và rồi nhiều thuyết âm mưu ra đời, rằng vụ án của ông Skripal là âm mưu phá hoại World Cup và các nước như Anh, Slovakia, CH Czech, Thụy Điển hay thậm chí là Mỹ có thể bị nghi ngờ đã tạo ra vụ việc. 

Đối với nhiều người quan sát, diễn biến trên dường như tương đồng với các giả thuyết được truyền thông và quan chức Nga đưa ra trong vụ máy bay MH-17 bị bắn hạ năm 2014. Khi đó, các thông tin cũng xuất hiện dày đặc để đánh lạc hướng và làm xáo trộn mọi thứ. 

Và thời điểm cộng đồng quốc tế phản ứng còn chọc giận một số nhà quan sát Nga. Người Nga đang trải qua một giai đoạn đau buồn sau khi vụ cháy thảm khốc ở một trung tâm thương mại tại TP Kemerovo - Siberia làm hơn 60 người thiệt mạng. Tổng thống Putin đã đến Kemerovo gặp các gia đình người bị nạn và tập trung phát biểu về thảm kịch này hôm 27-3.

Trong bài phỏng vấn đăng tải trên tờ Kommersant ngày 27-3, đại sứ Mỹ tại Nga Jon Huntsman  chia buồn với mất mát của người Nga. Tuy nhiên, khi được hỏi vì sao Mỹ và các đồng minh quyết định hành động kể cả khi cuộc điều tra Salisbury còn chưa có kết luận, ông Huntsman dường như muốn nói rằng họ không thể tiếp tục chịu đựng những lời nói dối. 

Đại sứ Mỹ cho biết ông nhìn thấy từ phía Nga "một biển thông tin, khiến cho người khác rất khó phân biệt thật - giả". "Vì vậy, chúng tôi phải dựa vào cách tiếp cận chặt chẽ của Anh đối với các sự kiện mà họ biết và các cuộc điều tra. Chúng tôi có niềm tin rất lớn về những gì họ đã và sẽ làm" - ông Huntsman nói.

Theo Bảo Hạnh (Nld.com.vn)