Thế giới

Ông Kim Jong Un thường chỉ đến 1 địa điểm đặc biệt trước hoặc sau sự kiện quan trọng: Ý nghĩa đằng sau là gì?

Ngoài ra, định hướng của chính sách "Hậu Hà Nội" dự kiến sẽ được công bố tại phiên họp đầu tiên hội nghị lần thứ 14 của Hội đồng Nhân dân Tối cao Triều Tiên vào ngày 11/4 sắp tới.

Ông Kim Jong Un thường chỉ đến 1 địa điểm đặc biệt trước hoặc sau sự kiện quan trọng: Ý nghĩa đằng sau là gì?
Ông Kim Jong Un tới thăm tượng đài cha ở Samjiyeon. Ảnh: VCG

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA ngày 4/4 đưa tin, Chủ tịch Kim Jong Un mới đây đã có chuyến thăm huyện Samjiyeon, gần núi Baekdu và thăm loạt nhà máy, trường học tại địa phương này.

Theo Yonhap News (Hàn Quốc), núi Baekdu và vùng Samjiyeon, được gọi là "thánh địa cách mạng", là một biểu tượng chính trị vô cùng to lớn, được các lãnh đạo Triều Tiên coi là "khúc ruột, máu mủ".

Đặc biệt sau khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền, Samjiyeon được cho là nơi để ông thể hiện quan điểm trong cả đối nội và đối ngoại khi phải đưa ra những chính sách, quyết định quan trọng.

Ví dụ, vào ngày giỗ lần thứ 3 của cha mình – cố chủ tịch Kim Jung Il, ông đã đến thăm Samjiyeon. Ngoài ra, trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều lần 1 và sau khi hội đàm liên Triều kết thúc, ông đều tìm đến Samjiyeon.

Có thể nói, sau thượng đỉnh Mỹ Triều - từng mang rất nhiều kì vọng của nội bộ Triều Tiên - chuyến thăm Samjiyeon của ông Kim Jong Un cho thấy một phần chính sách của Triều Tiên sau hội đàm song phương tại Hà Nội, Yonhap news bình luận.

Ông Kim Jong Un thường chỉ đến 1 địa điểm đặc biệt trước hoặc sau sự kiện quan trọng: Ý nghĩa đằng sau là gì? - 1
Ông Kim Jung Un đã quyết định lấy vùng Samjiyeon làm kiểu mẫu để từ đó cải thiện cuộc sống của toàn thể nhân dân Triều Tiên. Ảnh: KCNA

Khi đến khu vực này, thay vì lên núi Baekdu, việc ông Kim Jung Un đi thị sát tình hình xây dựng vùng Samjiyeon hay tìm đến những nơi liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân như khu dân cư và trường học, nhà máy bột khoai tây Samjiyeon – nơi sản xuất nhu yếu phẩm chính cho nhân dân cho thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên đã quyết định đưa đất nước đi lên theo phương hướng: "Tập trung toàn lực cho tăng trưởng kinh tế" thay vì chính sách " Hạt nhân – Kinh tế song song" như đã tuyên bố vào tháng 4 năm ngoái.

Theo đó, ông Kim Jung Un đã quyết định lấy vùng Samjiyeon làm kiểu mẫu để từ đó cải thiện cuộc sống của toàn thể nhân dân Triều Tiên.

Yonhap news cho rằng, chuyến thăm của ông Kim Jong Un tới vùng kinh tế kiểu mẫu Samjiyeon mang ý nghĩa bác bỏ chính sách "giải quyết hàng loạt" của Mỹ, nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế quốc gia bằng chính khả năng của mình.

Tờ này nhấn mạnh, về vấn đề này, tuy những kì vọng về sự nới lỏng lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên hay thúc đẩy thương mại Triều Tiên phát triển chưa đạt được kỳ vọng nhưng có thể chắc chắn một điều rằng, Triều Tiên sẽ không từ bỏ mục tiêu cao nhất của mình là cải thiện nền kinh tế và nâng cao chất lượng đời sống của người dân.

"Việc quan tâm nhiều đến Samjiyeon là một nỗ lực đấu tranh chính trị, đấu tranh giai cấp khốc liệt với những thế lực thù địch muốn cản trở con đường phía trước của chúng tôi", nhà lãnh đạo Kim Jong un khẳng định. "Samjiyeon là một minh chứng cho uy lực quốc gia và năng kinh tế của đất nước chúng tôi."

Điều này giải thích cho việc chính phủ Triều Tiên quyết định ổn định cuộc sống của người dân và vượt qua những khó khăn kinh tế bằng cách huy động nguồn lực trong nước mà không cần sự hỗ trợ từ bên ngoài của Mỹ..

Định hướng rõ ràng của chính sách "Hậu Hà Nội" dự kiến sẽ được công bố tại phiên họp đầu tiên của hội nghị lần thứ 14 của Hội đồng Nhân dân Tối cao Triều Tiên vào ngày 11/4 sắp tới và tại các cuộc họp của Đảng Lao động, dự kiến sẽ được tổ chức trước và sau phiên họp này.

Kim In Tae, thành viên của Viện nghiên cứu chiến lược an ninh quốc gia Hàn Quốc cho rằng: "So với việc quyết định một chính sách nào đó thì chuyến thăm Samjiyeon này của ông Kim Jong Un dường như đã được tiến hành trước Hội đồng nhân dân tối cao, có ý nghĩa chính trị trong việc ra mặt lần 2 của nhà lãnh đạo tối cao Triều Tiên".

Ông này đánh giá: "Có vẻ như chính phủ Triều Tiên đã định hướng chính sách tự mình khôi phục kinh tế nước nhà mà không cần nhượng bộ trước những yêu cầu của Hoa Kỳ."

Theo Ngọc Khánh (Soha/Trí Thức Trẻ)