Thế giới >> COVID-19 (nCoV)

Nữ 'Người dơi' Trung Quốc chính thức lên tiếng về nghi vấn Covid-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm

Thạch Chính Lệ, nhà virus học hàng đầu của Trung Quốc, một lần nữa trở thành tâm điểm của sự chú ý của dư luận sau khi nghiên cứu tại phòng thí nghiệm ở Vũ Hán về các chủng virus corona thu hút nhiều tranh cãi.

Giả thuyết virus SARS-CoV-2 có thể rò rỉ từ phòng thí nghiệm từ lâu được giới khoa học đánh giá là khó có khả năng xảy ra, và thường bị chỉ trích do mối liên hệ với cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, người thường thúc đẩy nghi vấn này.

Tuy vậy, việc chính quyền tổng thống Joe Biden tiếp tục điều tra, cùng với kêu gọi từ các nhà khoa học danh tiếng đã khiến giả thuyết này thu hút sự chú ý của dư luận trở lại.

Giới khoa học phần đông nhất trí rằng hiện chưa có bằng chứng trực tiếp nào ủng hộ giả thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm. Tuy vậy, nhiều nhà khoa học hiện cho rằng giả thuyết này bị phủ nhận quá nhanh chóng mà chưa trải qua điều tra kỹ lưỡng, đồng thời đặt ra nhiều nghi vấn.

Một số nhà khoa học cho rằng tiến sĩ Thạch Chính Lệ tiến hành thử nghiệm có nguy cơ cao với các chủng virus corona trên dơi ở những phòng thí nghiệm không đảm bảo an toàn. Những người khác yêu cầu báo cáo minh bạch hơn, dẫn nguồn tin tình báo Mỹ cho thấy một số nhân viên Viện Virus học Vũ Hán từng nhập viện hồi tháng 11/2019 với các triệu chứng giống Covid-19 cũng như bệnh mùa thông thường.

Tiến sĩ Thạch phủ nhận các cáo buộc trên. Trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với tờ New York Times cách đây hai tuần, tiến sĩ Thạch cho biết bà không muốn nói chuyện trực tiếp với các phóng viên do chính sách của Viện Virus học Vũ Hán. Tuy vậy, bà không giấu nổi sự thất vọng.

"Làm thế nào tôi đưa ra bằng chứng về điều gì đó, khi mà trên thực tế không có bằng chứng nào?", bà nói, giọng giận dữ.

"Tôi không biết thế giới trở nên như thế này bằng cách nào, luôn đổ mọi nỗi ô nhục lên một nhà khoa học vô tội," bà viết trong một tin nhắn khác.

Trả lời phỏng vấn qua email, Thạch Chính Lệ cho rằng những nghi ngờ kể trên là không có căn cứ, bao gồm cáo buộc một số đồng nghiệp của bà có thể đã đổ bệnh trước khi dịch bệnh bùng phát.

Nữ 'Người dơi' Trung Quốc chính thức lên tiếng về nghi vấn Covid-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm
Tiến sĩ Thạch Chính Lệ (Ảnh: AP)

Những đồn đoán cho tới nay hầu như tập trung vào một câu hỏi: Liệu phòng thí nghiệm của tiến sĩ Thạch có lưu trữ bất kỳ nguồn virus corna chủng mới nào trước khi đại dịch khởi phát hay không? Câu trả lời của bà là không.

Tuy vậy, Trung Quốc không chấp nhận điều tra độc lập nhắm vào phòng thí nghiệm của Thạch Chính Lệ hay chia sẻ dữ liệu nghiên cứu gây khó khăn cho việc xác minh tuyên bố của bà, theo New York Times. Những động thái kể trên cũng làm tăng thêm nghi ngờ đại dịch đã bùng phát như thế nào tại thành phố có phòng thí nghiệm nghiên cứu virus corona trên loài dơi.

Những người ủng hộ giả thuyết virus có nguồn gốc từ tự nhiên chỉ ra rằng Vũ Hán là một đầu mối giao thông quan trọng, đồng thời các nghiên cứu cũng cho thấy trước khi đại dịch bùng phát, các khu chợ ở thành phố đã bày bán nhiều loại động vật có thể mang mầm bệnh nguy hiểm lây lan sang con người.

Tầm quan trọng của cuộc tranh luận về nguồn gốc Covid-19 ảnh hưởng tới việc giới nhà khoa học sẽ nghiên cứu các căn bệnh truyền nhiễm như thế nào. Một số nhà khoa học nêu giả thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm để kêu gọi kiểm soát sát sao hơn các thử nghiệm "nghiên cứu tăng chức năng".

"Điều này không liên quan gì đến sai sót hay cảm giác có lỗi," David Relman, nhà vi sinh học tại Đại học Stanford, đồng tác giả một bức thư được 18 nhà khoa học ký tên gửi tới tuần san Science kêu gọi điều tra minh bạch tất cả các khả năng có thể xảy ra, bao gồm giả thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm. Bức thư kêu gọi các phòng thí nghiệm và cơ quan y tế công bố dữ liệu.

Nhiều nhà virus học tin SARS-CoV-2 nhiều khả năng lây lan từ động vật sang người ở bối cảnh ngoài phòng thí nghiệm. Tuy vậy, trong bối cảnh chưa có bằng chứng trực tiếp về sự lây lan tự nhiên, nhiều nhà nhà khoa học và chính trị gia kêu gọi điều tra đầy đủ giả thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm.

Bắc Kinh cho phép một nhóm chuyên gia của WHO tới Trung Quốc, tuy vậy giới hạn khả năng tiếp cận của họ. Nhóm điều tra hồi tháng 03 công bố báo cáo cho rằng giả thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm "rất khó có khả năng xảy ra", tuy vậy ngay cả tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng cho rằng "đánh giá này chưa đủ rộng".

Tháng trước, tổng thống Mỹ Joe Biden yêu cầu các cơ quan tình báo tăng cường nỗ lực điều tra nguồn gốc dịch bệnh, bao gồm cả giả thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm. Hôm 13/06, lãnh đạo các nước G7 kêu gọi Trung Quốc tham gia cuộc điều tra mới nhắm vào nguồn gốc virus corona. Tổng thống Biden nói với các phóng viên rằng ông và các nhà lãnh đạo khác đã thảo luận về việc tiếp cận các phòng thí nghiệm ở Trung Quốc.

Tiến sĩ Thạch Chính Lệ được coi là biểu tượng của tiến bộ khoa học ở Trung Quốc, là người đi đầu trong công tác nghiên cứu các chủng virus mới.

Bà từng thăm dò nhiều hang động để lấy mẫu từ dơi và phân dơi để tìm hiểu các chủng virus lây lan từ động vật sang người như thế nào.

"Bà ấy là một nhà khoa học xuất sắc - hết sức cẩn trọng, đạo đức công việc khắt khe," tiến sĩ Robert C. Gallo, giám đốc Viện Virus học ở Người thuộc Trường Y Đại học Maryland cho biết.

Nữ 'Người dơi' Trung Quốc chính thức lên tiếng về nghi vấn Covid-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm - 1
Nhóm chuyên gia của WHO tới thăm Viện Virus học Vũ Hán (Ảnh: AFP)

Viện Virus học Vũ Hán có khoảng 300 nhân sự và bao gồm một phòng thí nghiệm An toàn Sinh học Cấp độ 4, mức cao nhất. Tiến sĩ Thạch cùng các đồng nghiệm tại viện này nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm mới, và trong những năm qua nhóm của bà đã thu thập hơn 10.000 mẫu từ loài dơi trên khắp Trung Quốc.

Một số phát hiện quan trọng của tiến sĩ Thạch được cộng đồng khoa học chú ý sát sao. Năm 2017, bà và các đồng nghiệp tại Viện Virus học Vũ Hán xuất bản nghiên cứu thử nghiệm nơi họ tạo ra các chủng virus corona dơi lai để nghiên cứu khả năng xâm nhập và nhân bản của chúng trong tế bào con người.

Lo ngại không chỉ tập trung vào các thử nghiệm của Thạch Chính Lệ mà còn về điều kiện an toàn. Một số thử nghiệm trên virus dơi được tiến sĩ Thạch thực hiện trong các phòng thí nghiệm An toàn Sinh học Cấp độ 2, chưa phải là mức cao nhất tại Viện Virus học Vũ Hán.

Điều này làm dấy lên câu hỏi về việc liệu mầm bệnh nguy hiểm có thể bị thoát ra hay không.

Thạch Chính Lệ khẳng định các chủng virus trên dơi tại Trung Quốc có thể được nghiên cứu tại phòng thí nghiệm An toàn Sinh học Cấp độ 2, do chưa có bằng chứng cho thấy chúng lây nhiễm trực tiếp sang con người. Nhiều nhà khoa học đồng tình với quan điểm này.

Bà cũng bác bỏ các báo cáo cho rằng ba nhà nghiên cứu của Viện Virus học Vũ Hán phải nhập viện vào tháng 11/2019, với các triệu chứng giống cúm.

"Viện Virus học Vũ Hán chưa gặp các trường hợp như vậy. Nếu có thể, các vị làm ơn nêu tên ba người này để chúng tôi kiểm tra," Thạch Chính Lệ trả lời qua email.

Tiến sĩ Thạch cũng cho biết virus gần gũi nhất với SARS-CoV-2 mà bà lưu giữ tại phòng thí nghiệm chỉ giống 96%, đồng nghĩa với một sự khác biệt rất lớn xét trên các tiêu chuẩn về bộ gene. Bà phủ nhận tin đồn cho rằng phòng thí nghiệm nơi bà làm việc bí mật nghiên cứu các chủng virus khác.

Nghiên cứu của Thạch Chính Lệ về một nhóm thợ mỏ ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), từng mắc bệnh hô hấp nặng hồi năm 2012 cũng dấy lên nhiều câu hỏi. Nhóm thợ mỏ này làm việc trong hang nơi bà Thạch và các đồng nghiệp phát hiện virus giống SARS-CoV-2.

Tiến sĩ Thạch cho biết phòng thí nghiệm không phát hiện virus corona giống SARS trên các mẫu lấy từ nhóm thợ mỏ, đồng thời khẳng định bà sẽ đăng tải chi tiết nghiên cứu này trên một tuần san khoa học.

Nhiều nhà khoa học và các quan chức cho rằng Trung Quốc cần chia sẻ hồ sơ bệnh án của các bệnh nhân có liên quan, ghi chép về các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cũng như dữ liệu trình tự gene virus để đánh giá các tuyên bố của Thạch Chính Lệ.

Tiến sĩ Thạch khẳng định bà và Viện Virus học Vũ Hán đã rất cởi mở với WHO và cộng đồng khoa học quốc tế.

"Đây không còn là câu hỏi khoa học. Đây là những đồn đoán có nguồn gốc từ sự không tin tưởng," bà nói trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)