Thế giới

Nỗi day dứt của người sống sót khi phải ăn thịt tử thi 50 năm về trước trong vụ tai nạn máy bay trên dãy Andes

Hôm đó là thứ Sáu, ngày 13/10/1972, Fernando Parrado ngồi ở hàng ghế thứ chín của chiếc máy bay chuẩn bị khởi hành từ Montevideo đến Santiago de Chile.

Nỗi day dứt của người sống sót khi phải ăn thịt tử thi 50 năm về trước trong vụ tai nạn máy bay trên dãy Andes
Sau 2 tháng phải sống trong điều kiện khắc nghiệt trên dãy Andes của Chile, Fernando Parrada đã được giải cứu. Ảnh: AP

Khi vừa lên máy bay, bạn thân nhất của Fernando Parrada, Panchito, đã yêu cầu anh đổi chỗ ngồi để có thể ở bên cửa sổ và ngắm cảnh. Tuy nhiên Panchito đã chết sau đó vì máy bay gặp nạn, còn Parrado hôn mê 4 ngày rưỡi, khi tỉnh lại anh chỉ thấy mình trơ trọi giữa dãy núi Andes lạnh giá.

Fernando đã phải sống 72 ngày ở cái nơi mà bất cứ ai cũng không mong muốn được đặt chân đến, độ cao hơn 3000 mét so với mực nước biển, không có đồ dùng, không nước uống,lương thực hầu như không còn. Parrado đã phải đi bộ suốt 10 ngày, sụt mất 45kg, vượt qua nhiều ngọn núi và những dòng sông đã đóng băng mà bất cứ nhà leo núi dày dạn kinh nghiệm nào cũng phải sợ hãi khi trải nghiệm để cuối cùng anh là một trong 16 người sống sót cuối cùng để kể lại một trong những câu chuyện đáng kinh ngạc nhất của thế kỷ trước.

Nỗi day dứt của người sống sót khi phải ăn thịt tử thi 50 năm về trước trong vụ tai nạn máy bay trên dãy Andes - 1
Chân dung của 6 trong số 16 người sống sót sau vụ máy bay Uruguay bị rơi ở dãy núi Andes vào tháng 10/1972

Ranh giới của sự sống và cái chết

Fernando Parrado mới 22 tuổi khi vụ tai nạn máy bay xảy ra. Chiếc phi cơ Uruguayan Air Force chở 45 người là bạn bè, người nhà và một đội bóng bầu dục trên đường từ Uruguay tới Chile thi đấu đã rơi xuống dãy Andes hôm 13/10/1972.

"Các vụ tai nạn máy bay thường xảy ra bởi sự kết hợp của nhiều nguyên nhân: chiếc máy bay kém hiệu quả, chở quá trọng tải cho phép, thời tiết xấu, phi hành đoàn không đủ kinh nghiệm, v.v." Parrado kể lại.

Khi máy bay gặp sự cố chết động cơ, tất cả mọi người đều nhìn thấy dãy Andes sau khi ra khỏi tầng mây, và sau đó va chạm đã xảy ra không lâu sau đó, 33 người may mắn sống sót, một số người bị thương rất nặng.

Parrado nói: "Một trong những thách thức lớn nhất đối với chúng tôi chính là thời tiết khi xung quanh là khung cảnh tuyết phủ trắng xóa, nhiệt độ ở mức -30 độ C. Chúng tôi là những người dân vùng biển Montevideo, và 95% các chàng trai ở đây chưa bao giờ chạm vào tuyết hoặc nhìn thấy một ngọn núi trong đời."

Parrado hôn mê mất bốn ngày đầu tiên trong cái cảm giác mà anh ta mô tả là một "địa ngục hoàn toàn đen tối". Khi tỉnh dậy, điều đầu tiên anh phát hiện ra là mẹ và chị gái Susi, cũng như hai người bạn thân nhất của anh, Panchito và Guido, đã chết.

"Trong hoàn cảnh đó có thể tôi đã hoàn toàn suy sụp, nhưng tôi không có thời gian nghĩ tới việc đó. Đầu óc tôi chỉ nghĩ đến việc chống chọi với cái lạnh, cái đói, nỗi sợ hãi và sự bất định." Fernando cho biết.

Sau một tuần, họ nhận được tin qua radio rằng các đội cứu hộ đang từ bỏ cuộc tìm kiếm và sẽ đợi đến cuối mùa đông (kéo dài từ tháng 6 đến tháng 8) để tìm kiếm các thi thể.

Ở độ cao 3.575 mét so với mực nước biển, không có quần áo bảo hộ và không nhìn thấy đường chân trời, nhóm người sống sót quyết định đợi đến mùa hè để trốn thoát. Parrado cũng thú nhận rằng, những cơn gió "cắt da cắt thịt" không phải là kẻ thù duy nhất mà họ phải đối mặt: "Cái đói là thứ đáng sợ nhất mà con người có thể phải trải qua. Đó là sự lo lắng khủng khiếp mà không ai có thể cảm nhận cho đến khi cơ thể bắt đầu biểu hiện."

Quyết định khó khăn

Theo thời gian, thời tiết dần được cải thiện, chỉ còn lại 16 người sống sót, ít hơn một nửa số người thoát hiểm sau vụ va chạm.

Thực phẩm và nước uống còn lại trên máy bay cũng dần cạn kiệt, hy vọng được giải cứu mờ dần, Canessa và những người sống sót buộc phải ra quyết định đầy khó khăn, ăn thịt tử thi để sống sót.

Đối với Parrado, thời điểm quyết định rời khỏi thân của chiếc máy bay bị rơi để đi tìm kiếm sự giúp đỡ là khó khăn nhất. Anh vẫn không biết làm thế nào mình có thể đưa ra một quyết định mạo hiểm như vậy.

"Có lẽ đó là vì tình yêu của tôi dành cho cha tôi đã mách bảo tôi làm việc đó. Tôi chỉ muốn quay lại với ông ấy", Parrado nói.

"Thi thể của bạn bè và đồng đội vùi trong băng tuyết chứa protein quan trọng giúp chúng tôi sống sót, nhưng liệu chúng tôi có dám không?" Canessa nhớ lại.

Parrado và người bạn Roberto Canessa bắt đầu lên đường tìm kiếm sự giúp đỡ.

Nỗi day dứt của người sống sót khi phải ăn thịt tử thi 50 năm về trước trong vụ tai nạn máy bay trên dãy Andes - 2
Các thành viên của Đội tuần tra cứu hộ của cảnh sát Chile giúp Roberto Canessa, người đội chiếc mũ dệt kim, sau chuyến hành trình mười ngày đi tìm kiếm sự giúp đỡ. Ảnh: AP

Ngày 12/12/1972, Canessa và Nando được giao sứ mệnh xuống núi tìm người giúp đỡ. Mặc thêm quần áo lấy từ những người đã chết, mang theo tất chứa thịt người đông lạnh, họ bắt đầu cuộc hành trình xuống núi mà không có bất kỳ kinh nghiệm leo núi nào.

Thành viên thứ ba của nhóm tìm kiếm là Antonio Vizintin phải quay trở lại, vì đơn giản là không có đủ thức ăn cho cả 3. Phải đi bộ xuyên qua dãy núi Andes có nghĩa là cả hai chàng trai trẻ sẻ phải "nhét" mình trong nhiều lớp quần jean và áo len, do vậy cơ thể sẽ càng trở nên nặng nề hơn trong mỗi bước đi.

"Tôi nghĩ chỉ có Roberto và tôi biết cảm giác đạt đến sự cực hạn của bản thân là như thế nào. Tôi sụt 45kg, mọi thứ đè nặng lên chúng tôi kể cả làn da, mái tóc cho đến đôi giày tôi mang theo. Nhưng chúng tôi không thể dừng lại." Antonio kể lại.

Sau mười ngày đi bộ, điều kỳ diệu đã xảy ra, cả hai đã đến được một sườn núi và phát hiện ra bên bờ sông có một người Chile cùng một con ngựa đang vận chuyển hàng hóa, điều thường thấy ở Nam Mỹ.

Tuy nhiên khoảng cách giữa hai bờ sông là khá xa khiến cả hai không thể hiểu người bên kia đang nói gì, hay nói đúng hơn là cả hai không thể nghe thấy gì cả.

Nhưng người bên kia sông đã nhặt một hòn đá, quấn một tờ giấy và một cây bút chì xung quanh và ném sang bên này cho Parrado.

"Tôi đến từ vụ tai nạn của một chiếc máy bay rơi trên núi. Tôi là người Uruguay, tôi có 14 người bạn trên đó. Làm ơn, chúng tôi không thể rời đi, chúng tôi đói ". Parrado viết vào mảnh giấy và ném lại cho người kia

Sau khi đọc mảnh giấy, người này ra hiệu và hét lên: "Ngày mai" đồng thời người cưỡi ngựa cũng không quên ném cho họ hai ổ bánh mì và lên đường tìm kiếm sự giúp đỡ ở Puente Negro, một thị trấn cách đó mười giờ đi bằng xe ngựa.

Parrado và Canessa không biết điều đó tuy nhiên hai tiếng sau, một người đàn ông đến gặp họ, mang theo hai con ngựa. Người này giới thiệu tên là Armando, và được Sergio Catalán, người đàn ông họ nhìn thấy hôm đầu tiên, cử đến.

Ba người cưỡi ngựa khoảng 8 tiếng đến đồn cảnh sát gần nhất. Sau đó, Nando ngồi trực thăng dẫn đội cứu hộ tìm kiếm những người ở lại máy bay. Ngày hôm sau, họ tìm thấy toàn bộ những người sống sót. 

'Tôi sẽ không thay đổi điều gì'

Parrado kể lại rằng lực lượng cứu hộ không thể tin rằng họ chính là hành khách của chiếc máy bay bị rơi hai tháng rưỡi trước đó.

Lực lượng Không quân Chile đã đến với ba trực thăng Bell UH-1 để hỗ trợ giải cứu, Fernando và Roberto nói với các phi công nơi những người bạn còn lại của họ vẫn đang trông đợi.

Parrado chia sẻ: “Một phi công nói với tôi rằng đây là chuyến bay tồi tệ nhất trong cuộc đời anh ấy vì họ không thể biết được mình sẽ đi đâu.

Parrado cuối cùng cũng được trở về nhà, sau một thời gian nằm viện, nơi mà các nhân viên chăm sóc đã thay cho anh bộ quần áo mà anh đã mang trên mình suốt 72 ngày lưu lạc.

"Khi chúng tôi trở về Uruguay, những người đi cùng chuyến bay với tôi đều được gia đình chào đón. Trong khi đó cha tôi thì tuyệt vọng vì ông đã mất gần như cả gia đình."

Vào ngày 13/10/2022, Fernando Parrado nói rằng anh ấy không hối tiếc về những gì đã xảy ra. "Nhờ những người bạn của chúng tôi, 16 người đã được cứu thoát, và bây giờ, gia đình tất cả chúng tôi đã là 140 người", anh nói.

Nỗi day dứt của người sống sót khi phải ăn thịt tử thi 50 năm về trước trong vụ tai nạn máy bay trên dãy Andes - 3
Tám người sống sót cuối cùng trong vụ tai nạn máy bay tụ tập trong thân chiếc phi cơ vỡ vụn chờ giải cứu. Ảnh: AP

Parrado không bao giờ quên kinh nghiệm của mình ở vùng núi. Anh ấy cũng không bao giờ đánh mất kết nối với những người đã từng là chỗ dựa của mình trong những thời khắc đen tối nhất.

Parrado nói: “Chúng tôi là một nhóm người gắn bó với nhau bằng tình anh em rất thân thiết, nếu có điều gì xảy ra với bất cứ ai, những người khác sẽ ngay lập tức có mặt để hỗ trợ”. Chúng tôi đã cùng sống sót và sau ngần ấy thời gian, chúng tôi vẫn thân thiết với nhau".

Nhiều năm sau khi được giải cứu, Parrado từng thử sức với sự nghiệp của một tay đua xe nhưng cuối cùng anh vẫn quyết định phát triển công việc kinh doanh kế nghiệp cha, ngoài ra anh còn từng làm cả trong đài truyền hình trong thời gian đó.

"Tôi sẽ không thay đổi bất cứ điều gì bởi vì thay đổi quá khứ có nghĩa là không có gia đình như bây giờ." Parrado trả lời sau khi được hỏi về việc ông có muốn thay đổi điều gì ở quá khứ thời điểm kinh hoàng nhất hay không.

QT (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/noi-day-dut-cua-nguoi-song-sot-khi-phai-an-thit-tu-thi-50-nam-ve-truoc-trong-vu-tai-nan-may-bay-tren-day-andes-a361704.html