Thế giới

Nỗ lực thay đổi câu chuyện về nguồn gốc Covid-19 của Trung Quốc

Một năm sau khi các bác sĩ phát hiện những ca nhiễm một căn bệnh mới ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), nước này dường như đang có những động thái đặt câu hỏi về nguồn gốc của đại dịch Covid-19.

Truyền thông Trung Quốc liên tục đưa tin về việc virus corona được phát hiện trên bao bì thực phẩm đông lạnh nhập khẩu, dù không được coi là phương thức lây truyền bệnh đáng chú ý ở các nước khác, và những nghiên cứu về các trường hợp có thể nhiễm Covid-19 bên ngoài Trung Quốc trước thời điểm tháng 12/2019.

Nhân Dân Nhật Báo tuần trước trong một bài viết trên Facebook cho rằng "tất cả bằng chứng hiện nay cho thấy virus corona không khởi phát từ thành phố Vũ Hán ở Trung Quốc".

"Vũ Hán là nơi virus corona được phát hiện lần đầu, nhưng không phải là nơi khởi phát," Nhân Dân Nhật Báo dẫn lời ông Zeng Guang, cựu chuyên gia dịch tễ học của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc cho biết.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, khi được hỏi về việc truyền thông nhà nước đưa tin rằng virus có nguồn gốc bên ngoài Trung Quốc, chỉ cho biết rằng điều quan trọng là nhận thấy sự khác biệt giữa nơi Covid-19 lần đầu được phát hiện, và nơi virus lây lan từ động vật sang người.

"Dù Trung Quốc là nước đầu tiên báo cáo các ca nhiễm, điều đó không nhất định có nghĩa là virus có nguồn gốc từ Trung Quốc," ông Triệu Lập Kiên nói trong một buổi họp báo. "Truy tìm nguồn gốc virus là một quá trình vẫn đang diễn ra, với sự tham gia của nhiều quốc gia và khu vực".

Các nhà khoa học Trung Quốc đã gửi một nghiên cứu khoa học tới tuần san The Lancet, dù chưa được bình xét, cho rằng "Vũ Hán không phải là nơi đầu tiên virus SARS-CoV-2 lan truyền từ người sang người", đồng thời nêu giả thuyết ca nhiễm đầu tiên có thể xuất hiện ở "tiểu lục địa Ấn Độ".

Các nhà khoa học phương Tây tỏ ra nghi ngờ quan điểm cho rằng virus có nguồn gốc bên ngoài Trung Quốc. Michael Ryan, giám đốc chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuần trước nói lập luận Covid-19 không bùng phát từ Trung Quốc là "phỏng đoán".

"Rõ ràng, từ góc độ y tế công cộng, chúng ta cần bắt đầu điều tra từ nơi những ca nhiễm ở người lần đầu xuất hiện," ông Ryan nói trong một cuộc họp báo ở Geneva.

Nỗ lực thay đổi câu chuyện về nguồn gốc Covid-19 của Trung Quốc
Ảnh minh họa: AFP

Các báo cáo về việc Covid-19 xuất hiện ở Italy từ mùa Thu 2019, dựa trên mẫu lấy từ một đơn vị ung thư, dường như "khá yếu", theo giáo sư Jonathan Stoye, nhà virus học thuộc Viện Francis Crick ở London.

"Dữ liệu huyết thanh học từ Italy có thể được giải thích bằng việc kháng thể phản ứng chéo chống lại virus corona khác". Điều này có nghĩa là kháng thể tìm thấy trong các trường hợp ở Italy dường như đã được sản sinh khi người bệnh nhiễm các loại virus corona khác, không phải virus gây bệnh Covid-19.

"Điều đường như chắc chắn là những ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận là ở Trung Quốc," Stoye cho biết. "Do đó, virus rất có thể bắt nguồn từ Trung Quốc".

Dù dấu vết virus corona được tìm thấy trên bao bì thực phẩm đông lạnh, các nhà khoa học vẫn cho rằng đây không phải là nguy cơ cao đối với căn bệnh được cho là chủ yếu lây truyền qua giọt bắn hô hấp.

Việc xét nghiệm dương tính "không thể hiện virus có thể lây truyền, mà chỉ là dấu hiện virus có trên bề mặt đó," Andrew Pekosz, thuộc Trường Y Bloomberg tại Đại học John Hopkins nói với AP. "Tôi chưa thấy dữ liệu thuyết phục nào cho thấy virus SARS-CoV-2 trên bao bì thực phẩm có nguy cơ lây nhiễm đáng kể".

Trong bối cảnh thiệt hại kinh tế và con người vì đại dịch vẫn tăng cao tại nhiều nước, Bắc Kinh dường như muốn bảo vệ danh tiếng trong nước và ở nước ngoài.

Phục hồi sau đợt bùng phát đầu tiên của Covid-19, Trung Quốc đã tìm cách củng cố vị thế ở nước ngoài bằng trợ giúp y tế. Nước này cũng đang quảng bá về một số ứng viên vaccine trong giai đoạn phát triển cuối, như một phần của nỗ lực "vì lợi ý toàn cầu", đưa ra nhiều đề nghị trợ giúp sản xuất và tài trợ tiêm vaccine.

Tuy vậy, theo The Guardian, việc các nước không hài lòng với vai trò của Bắc Kinh trong giai đoạn đầu đại dịch có thể sẽ khiến họ gặp khó khăn trong vấn đề giải quyết hơn là bản thân đại dịch.

"Trung Quốc vẫn gặp khó khăn trong việc đối phó với sự thật là họ chịu trách nhiệm về 'tội lỗi ban đầu' của đại dịch, điều sẽ gây trở ngại cho mọi nỗ lực cứu vãn hình ảnh," Andrew Small, học giả Trung Quốc tại Quỹ German Marshall nói.

"Những tháng gần đây cho thấy quan điểm quốc tế về Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng như thế nào bởi đại dịch, Small cho biết thêm.

Đan Anh (Nguoiduatin.vn)