Thế giới

Những tham vọng lạ lùng của tỷ phú Elon Musk: Người đưa cuộc đua vũ trụ trở lại

Elon Musk, nhà sáng lập hãng SpaceX, vỡ òa sung sướng khi tên lửa của công ty ông lần đầu tiên đưa thành công 2 phi hành gia Mỹ vào vũ trụ hôm 30/5.

“Đã 18 năm làm việc để tiến tới mục tiêu này, nên vẫn khó để tin điều đó đã xảy ra”, Musk nói trong cuộc họp báo sau vụ phóng tên lửa thành công để đưa khoang tàu chở hai phi hành gia bay lên từ Trung tâm vũ trụ Kennedy ở Florida sáng 30/5.

Bằng việc đưa thành công tàu vũ trụ Crew Dragon và các phi hành gia vào không gian, SpaceX trở thành công ty tư nhân đầu tiên đảm trách việc vận chuyển phi hành gia cho NASA. Chuyến bay thử nghiệm Demo-2 của SpaceX cũng là sứ mệnh chở người đầu tiên của Mỹ từ khi nước này đóng chương trình tàu con thoi năm 2011.

Những tham vọng lạ lùng của tỷ phú Elon Musk: Người đưa cuộc đua vũ trụ trở lại - Ảnh 1.
Tỷ phú Elon Musk sung sướng khi tên lửa được phóng thành công hôm 30/5. (Ảnh: Getty Images)

SpaceX thực hiện sứ mệnh vũ trụ đầu tiên với chuyến đưa hàng lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) năm 2012. Danh sách thành công của SpaceX bao gồm chế tạo phiên bản tên lửa Falcon 9 tự hạ cánh, tên lửa hạng nặng Falcon Heavy, và tàu vũ trụ Crew Dragon để đưa phi hành gia lên ISS.

Là người ủng hộ mục tiêu chinh phục sao hỏa, Musk (sinh năm 1971) từng nói về kế hoạch làm nhà kính trên Hành tinh Đỏ, tham vọng hơn là thiết lập một thuộc địa trên sao Hỏa.

Dù tập trung vào sao Hỏa, Musk cũng cho biết ông quan tâm đến cả Mặt trăng. Ông từng giới thiệu về ý tưởng thiết kế “Căn cứ Alpha trên Mặt trăng (cùng với căn cứ trên sao Hỏa). Năm 2018, Musk gợi ý rằng căn cứ sao Hỏa đầu tiên của SpaceX có thể được hình thành vào năm 2028.

Ông cũng định nghĩa lại những khái niệm về giao thông bằng những ý tưởng như Hyperloop, một hệ thống giao thông tốc độ cao kết nối các thành phố lớn.

Doanh nhân sinh ra ở Nam Phi này tự gọi mình là “một kỹ sư và một doanh nhân đã xây dựng và vận hành các công ty để giải quyết những thách thức về kinh tế, xã hội và môi trường”.

Những tham vọng lạ lùng của tỷ phú Elon Musk: Người đưa cuộc đua vũ trụ trở lại - Ảnh 2.
Tên lửa của SpaceX đưa tàu vũ trụ chở 2 phi hành gia Mỹ lên ISS hôm 30/5. (Ảnh: Reuters)

Tiền từ đâu?

Lớn lên ở Pretoria, thủ đô hành chính của Nam Phi, Musk học ngành vật lý và kinh doanh ở ĐH Pennsylvania. Sau khi tốt nghiệp, ông trở thành người đồng sáng lập Zip2 Corp., một công ty internet chuyên cung cấp phần mềm và dịch vụ cho các doanh nghiệp.

“Mọi thứ khá khó khăn trong giai đoạn đầu. Tôi không có tiền, thực tế là tôi đã nợ rất nhiều”, Musk nhớ lại trong bài giảng năm 2003 tại ĐH Standord.

Ông thậm chí ở tại nơi làm việc để tiết kiệm chi phí sinh hoạt.

Sau khi Compaq mua Zip2 với giá 300 triệu USD năm 1999, Musk quay sang lĩnh vực thanh toán hóa đơn trực tuyến. Công ty đó, sau này được đặt tên là PayPal, được bán cho eBay với giá 1,5 tỷ USD vào năm 2002.

Có tiền trong tay, Musk tìm kiếm điều gì đó mới mẻ khi ông bước sang tuổi 30. Ông thành lập SpaceX năm 2002 với kế hoạch tham vọng là sẽ trở thành một công ty vũ trụ tư nhân đáng tin cậy.

Musk nhiều lần nói rằng con người phải có sự kết nối với những hành tinh khác để chống lại những mối đe dọa như thiên thạch hay thảm họa tiềm tàng như chiến tranh hạt nhân và dịch bệnh do con người tạo ra.

Musk nói rằng điều đang cản trở chúng ta làm điều đó là tên lửa.

“Bằng cách nào đó, chúng ta phải giảm chi phí các chuyến bay vào vũ trụ của con người xuống 100 lần. Đó là lý do tôi thành lập SpaceX. Tôi không nghĩ chiến thắng là điều chắc chắn. Ngược lại, tôi nghĩ cơ hội thành công rất nhỏ bé, nhưng mục tiêu đủ quan trọng để thử làm”, Musk nói.

Vụ phóng tên lửa thành công của SpaceX là Falcon 1 đã trải qua bốn lần thử cất cánh trước khi bay lên vũ trụ thành công vào tháng 9/2008.

Ban đầu Musk dùng tiền cá nhân để duy trì hoạt động của SpaceX, sau đó ông kêu gọi được nhiều triệu đô la từ NASA để phát triển tên lửa và tàu vũ trụ, rồi đưa hàng lên ISS.

Hồ sơ của SpaceX là một nhân tố khiến NASA chịu chi tiền cho công ty này để phát triển tàu vũ trụ Dragon nhằm chở hàng tiếp tế lên ISS. Dragon được nhiều lần tài trợ theo chương trình thương mại của NASA và cập bến ISS thành công vào năm 2012, rồi duy trì công việc đó cho đến nay.

Những tham vọng lạ lùng của tỷ phú Elon Musk: Người đưa cuộc đua vũ trụ trở lại - Ảnh 3.
Hai phi hành gia NASA Doug Hurley và Bob Behnke được SpaceX đáp xuống ISS hôm 31/5. (Ảnh: Reuters)

Tàu vũ trụ Crew Dragon được phóng lên hôm 30/5 cũng nhận được tiền của NASA để chế tạo. Trong tương lai, Crew Dragon sẽ không chỉ chở phi hành gia mà cả khách du lịch muốn khám phá vũ trụ, như Musk từng nói với báo giới.

SpaceX còn xây dựng mạng lưới chòm sao vệ tinh internet mang tên Starlink. Đầu tháng này, Musk nói với báo giới rằng nếu mọi thứ thuận lợi, Starlink sẽ mang lại doanh thu 30-50 tỷ USD mỗi năm cho SpaceX. Doanh thu hiện tại của SpaceX là khoảng 3 tỷ USD mỗi năm.

Musk cũng bận rộn với những dự án ở các công ty khác, trong đó có cả lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Tháng 7/2019, Microsoft tài trợ 1 tỷ USD cho một dự án trí tuệ nhân tạo mà Musk là người đồng sáng lập, mang tên OpenAI.

Musk còn là người sáng lập hãng xe điện Tesla.

Trong những năm gần đây, tỷ phú này một số lần bị chỉ trích vì những phát biểu tiêu cực trên mạng xã hội, như vụ hứa giúp giải cứu các cầu thủ trẻ em Thái Lan mắc kẹt trong hang động ngập nước năm 2018. Đám trẻ đã được cứu, nhưng không phải vì sự giúp đỡ của Musk.

Theo Bình Giang (Tiền Phong)




https://www.tienphong.vn/cong-nghe/nhung-tham-vong-la-lung-cua-ty-phu-elon-musk-nguoi-dua-cuoc-dua-vu-tru-tro-lai-1666584.tpo