Thế giới

Những đoạn video khiến cảnh sát Mỹ hứng chịu chỉ trích vì đưa thông tin sai sự thật

Cảnh sát Mỹ thừa nhận đôi lúc sai lầm khi cung cấp thông tin về các vụ việc liên quan tới sử dụng vũ lực, khi nhiều video cho thấy họ không nói đúng sự thật.

Cảnh sát Minneapolis ban đầu công bố thông tin rằng George Floyd chết do "sự cố y tế khi tương tác với cảnh sát". Cảnh sát thành phố Buffalo nói cụ ông 75 tuổi "tự vấp ngã" khi tiến tới gần các sĩ quan. Cảnh sát Philadelphia cáo buộc một sinh viên bị chấn thương nặng ở đầu đã tấn công cảnh sát.

Những thông tin trên nhanh chóng bị bác bỏ sau khi các đoạn video ghi lại sự việc lan truyền trên mạng xã hội và được các đài truyền hình đăng tải, gây nghi ngờ rằng các cơ quan cảnh sát đã đưa ra thông tin không đúng sự thật để giảm nhẹ tính chất nghiêm trọng của các vụ việc.

Các cơ quan cảnh sát phủ nhận lừa dối công chúng, tuy vậy thừa nhận đã mắc sai lầm khi công bố thông tin về những sự việc phức tạp xảy ra trong khoảnh khắc. Họ cho rằng các video không ghi lại được sự việc dưới góc nhìn của cảnh sát.

Những đoạn video khiến cảnh sát Mỹ hứng chịu chỉ trích vì đưa thông tin sai sự thật
George Floyd bị cảnh sát đè đầu gối lên gáy (Ảnh cắt từ video)

Các luật sư cho rằng sở dĩ cảnh sát Mỹ có thể đưa ra những thông tin không chính xác kể trên là do họ luôn được các đồng nghiệp bảo vệ, ít khi bị tòa án truy cứu trách nhiệm, và luôn được công chúng tin tưởng.

Floyd chết sau khi bị một cảnh sát da trắng đè đầu gối lên gáy trong gần 9 phút, ngay cả khi ông không còn cử động. Video ghi lại bằng điện thoại di động cho thấy một số sĩ quan cảnh sát chỉ đứng nhìn, bất chấp người đi đường kêu gọi họ giúp đỡ ông.

Cơ quan cảnh sát thành phố Minneapolis ban đầu ra thông cáo báo chí cho rằng Floyd "dường như gặp vấn đề y tế nghiêm trọng" sau khi chống đối cảnh sát và bị còng tay. Cái chết của Floyd đã khiến các cuộc biểu tình nổ ra trên khắp nước Mỹ, phản đối nạn phân biệt chủng tộc và bạo lực cảnh sát.

Phát ngôn viên cảnh sát Minneapolis John Elder hôm 09/06 nói ông không nắm được thông tin ban đầu về cái chết của George Floyd và không tới hiện trường. Elder nói ông biết vụ bắt giữ được ghi lại bởi camera gắn trên người cảnh sát, tuy vậy ông chỉ có thể xem video này sau khi vụ việc xảy ra vài giờ đồng hồ. Ông đưa ra thông cáo ban đầu dựa vào thông tin mà cấp trên cung cấp, nhưng những người này cũng không có mặt ở hiện trường.

Cơ quan cảnh sát Minneapolis chỉ phát hiện ra thông tin ban đầu là không chính xác sau đó vài giờ, khi video người đi đường ghi lại vụ việc lan truyền trên internet, và ngay lập tức họ đã yêu cầu FBI điều tra. Tuy vậy ở thời điểm đó,  Cục Quản lý Tội pham của thành phố đã tiếp quản điều tra cái chết của Floyd nên Elder không thể đưa thông tin cải chính.

"Tôi không bao giờ dối trá để che đậy hành vi của người khác," Elder tuyên bố.

Nhà chức trách thành phố Buffalo đã đình chỉ công tác và truy tố hai cảnh sát xô ngã cụ ông Martin Gugino, 75 tuổi, khi ông tham gia biểu tình tại Quảng trường Niagara. Hai cảnh sát chỉ bị truy tố sau khi video ghi lại vụ việc được một đài truyền hình công bố. Trong báo cáo ban đầu, cảnh sát không nhắc tới việc Gugino bị xô ngã, cho rằng ông tự vấp ngã xuống mặt đường.

Cảnh sát sau đó đã phải xin lỗi, biện hộ rằng họ "xem xét những chi tiết không đầy đủ trong một tình huống diễn ra rất nhanh".

Những đoạn video khiến cảnh sát Mỹ hứng chịu chỉ trích vì đưa thông tin sai sự thật - 1
Cụ ông Martin Gugino bị cảnh sát xô ngã (Ảnh chụp từ video)

Hôm 05/06, công tố viên tại Philadelphia đã truy tố một cảnh sát đập gậy sắt vào đầu sinh viên tham gia biểu tình ở Đại học Temple. Thanh niên 21 tuổi phải khâu nhiều mũi ở vết thương, sau đó bị tạm giữ 40 giờ vì cáo buộc hành hung cảnh sát, theo luật sư của người này. Anh chỉ được trả tự do khi các công tố viên xem video ghi lại vụ việc, và quyết định truy tố viên cảnh sát gây thương tích cho anh.

Đây chỉ là những ví dụ gần đây. Nhiều trường hợp tương tự đã xảy ra trong quá khứ, đặc biệt trong những vụ người thuộc nhóm thiểu số tử vong khi tương tác với cảnh sát được ghi lại trên điện thoại di động, camera an ninh hay camera trên người cảnh sát.

Giới chức Chicago hồi năm 2014 từng nói việc bắn chết thanh niên 17 tuổi Laquan McDonald là chính đáng, do anh này cầm dao áp sát cảnh sát. Tuy vậy một năm sau, video ghi lại hình ảnh sĩ quan cảnh sát Jason Van Dyke bắn McDonald khi anh đang bỏ chạy xuất hiện, kết cục là Van Dyke bị truy tố tội giết người cấp độ hai.

Một vụ việc khác diễn ra tại Dallas hồi năm 2017 khi một cảnh sát bắn chết Jordan Edwards, 15 tuổi. Cơ quan cảnh sát ban đầu cho rằng Edwards và một số thiếu niên khác ngồi trong xe hơi đã "lao rất nhanh" về phía cảnh sát. Tuy vậy, cảnh sát trưởng địa phương sau đó thừa nhận video cho thấy chiếc xe hơi đã di chuyển trốn chạy cảnh sát, thay vì lao về phía họ. Sĩ quan cảnh sát bắn vào chiếc xe sau đó đã bị truy tố liên quan tới cái chết của Edwards.

Tố Linh (Nguoiduatin.vn)