Thế giới >> Căng thẳng Nga - Ukraine

Những điểm then chốt trong xung đột Nga - Ukraine

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đã bước sang tháng thứ 6, với nhiều bước ngoặt và ít nhất 2 lần Moscow thay đổi mục tiêu chiến lược.

Những điểm then chốt trong xung đột Nga - Ukraine

Những điểm then chốt trong xung đột Nga - Ukraine - 1

Những điểm then chốt trong xung đột Nga - Ukraine - 2

Kể từ khi chiến sự bùng phát ngày 24/2, các lực lượng Moscow đã kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ ở miền nam và đông Ukraine, kể cả khu vực Luhansk sau khi binh lính Ukraine rút khỏi thành phố Sievierodonetsk. Kiểm soát được thành phố Sievierodonetsk đồng nghĩa với việc loại bỏ một trong những rào cản cuối cùng cho sự kiểm soát của Nga đối với khu vực.

Nga cũng kiểm soát thành phố cảng Mariupol khi Kiev ra lệnh sơ tán toàn bộ binh sĩ còn bám trụ lại sau nhiều tuần giao tranh ác liệt giữa các lực lượng Nga và quân đội Ukraine bảo vệ nhà máy thép Azovstal. Điện Kremlin gọi cuộc sơ tán này là một cuộc đầu hàng hàng loạt.

Theo đánh giá của Bộ Quốc phòng Anh, khi Nga giành được quyền kiểm soát nhiều lãnh thổ Ukraine hơn, Điện Kremlin phải đối mặt với quyết định củng cố nắm giữ Donbass hoặc phòng thủ trước các cuộc phản kích ở Kherson, miền nam Ukraine. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 20/7 thông báo, Moscow mở rộng mục tiêu quân sự ở Ukraine ra ngoài khu vực miền đông Donbass.

Những điểm then chốt trong xung đột Nga - Ukraine - 3

Những điểm then chốt trong xung đột Nga - Ukraine - 4

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cách chức hai quan chức hàng đầu, Trưởng công tố Iryna Venediktova và Giám đốc Cơ quan An ninh quốc gia Ivan Bakanov, cũng như hơn 60 nhân viên từ mỗi cơ quan vì các cáo buộc "phản quốc và cộng tác với Nga".

Lãnh đạo Kiev đình chỉ thêm 28 quan chức, với lí do “kết quả công việc không đạt yêu cầu”. Trong một thông điệp video ngày 18/7, ông cũng thông báo đang tiến hành một cuộc "kiểm tra nhân sự" đối với cơ quan an ninh Ukraine.

Những điểm then chốt trong xung đột Nga - Ukraine - 5

Những điểm then chốt trong xung đột Nga - Ukraine - 6
Các nước cam kết viện trợ quân sự nhiều nhất cho Ukraine, tính từ ngày 27/1 - 7/6, trong đó số liệu không bao gồm khoản bổ sung 1,2 tỷ USD của chính phủ Anh công bố dành cho Kiev ngày 30/6. Nguồn: Viện Kiel về kinh tế thế giới

Ngoài các viện trợ của Liên minh châu Âu (EU) và các đồng minh NATO khác dành cho Kiev, Mỹ đã phê duyệt hơn 7 tỷ USD viện trợ quân sự, nhân đạo và an ninh cho Ukraine kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở nước láng giềng.

Gần đây nhất, Washington cam kết hỗ trợ an ninh thêm 2,2 tỷ USD. Bộ Quốc phòng Mỹ đã cho phép rút thiết bị lần thứ 15 từ các kho dự trữ của họ để gửi cho quốc gia Đông Âu kể từ tháng 8/2021, bao gồm hơn 6.500 hệ thống chống tăng Javelin, 1.400 vũ khí phòng không Stinger và 16 khẩu lựu pháo, theo Lầu Năm Góc.

Cùng với gói viện trợ mới nhất, Lầu Năm Góc sẽ gửi thêm 4 hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS), nâng tổng số bệ phóng tên lửa tầm xa được trao cho Ukraine lên 16 hệ thống.

Những điểm then chốt trong xung đột Nga - Ukraine - 7

Những điểm then chốt trong xung đột Nga - Ukraine - 8

Các nước phương Tây, bao gồm cả Mỹ, đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt cứng rắn chống Nga. Trong động thái mới nhất, G7 đã cam kết cấm vận vàng Nga. Tiếp sau Mỹ, các đồng minh cũng tuyên bố sẽ cấm nhập khẩu dầu mỏ từ xứ sở bạch dương.

Các lãnh đạo EU đã thực hiện cam kết cấm vàng và đồ trang sức của Nga, mặt hàng xuất khẩu quan trọng thứ 2 của nước này sau năng lượng, trong đợt trừng phạt thứ 7 chống Moscow. EU đã giáng đòn trừng phạt năng lượng Nga, cấm nhập khẩu than và nhắm mục tiêu vào nguồn doanh thu năng lượng. Xuất khẩu than cho EU mang lại nguồn thu lên tới khoảng 4,4 tỷ USD mỗi năm cho Nga.

Washington áp trừng phạt với Tổng thống Vladimir Putin, các quan chức trong chính phủ Nga, các chỉ huy quân đội và cả vợ cũ cũng như hai con gái đã trưởng thành của ông Putin, ngăn chặn họ tiếp cận với các hệ thống tài chính của Mỹ và đóng băng bất kỳ tài sản nào họ có thể nắm giữ ở xứ sở cờ hoa.

Những điểm then chốt trong xung đột Nga - Ukraine - 9

Những điểm then chốt trong xung đột Nga - Ukraine - 10
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (trái) nói với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi tháng 4/2022 rằng "Ukraine thuộc về gia đình châu Âu". Ảnh: Reuters

Tại hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels (Bỉ) cuối tháng 6, lãnh đạo 27 nước thành viên nhất trí trao quy chế ứng cử viên gia nhập khối cho Ukraine, chỉ 4 tháng sau khi Kiev nộp đơn xin được kết nạp.

Quyết định được Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel mô tả là “lịch sử” này sẽ cho phép Ukraine tiến thêm một bước trong tiến trình trở thành thành viên EU. Động thái cũng được coi là “tín hiệu rất mạnh mẽ gửi tới Nga”. Tuy nhiên, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Clement Beaune lưu ý, quá trình để Ukraine gia nhập EU sẽ rất dài, có thể tới 15 - 20 năm.

Những điểm then chốt trong xung đột Nga - Ukraine - 11

Kiev và Moscow ngày 22/7 đã ký các thỏa thuận riêng rẽ với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc cho phép xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, cũng như ngũ cốc và phân bón của Nga đang bị mắc kẹt tại các cảng Biển Đen.

Việc vận chuyển các chuyến hàng ngũ cốc và các sản phẩm nông nghiệp khác đã bị tạm dừng kể từ khi chiến sự bùng phát. Moscow đổ lỗi sự bế tắc do các lệnh trừng phạt của phương Tây và việc quân đội Ukraine rải mìn quanh các cảng. Ngược lại, Kiev tố cáo quân đội Nga đã điều các chiến hạm phong tỏa các cảng Ukraine.

Sự cố đã ngăn Ukraine xuất khẩu 22 triệu tấn ngũ cốc, đe dọa an ninh lương thực toàn cầu. Quốc gia Đông Âu này là một trong những nước xuất khẩu lúa mì, ngô và dầu hướng dương lớn nhất thế giới.

Những điểm then chốt trong xung đột Nga - Ukraine - 12

Những điểm then chốt trong xung đột Nga - Ukraine - 13

Liên Hợp Quốc thống kê, ít nhất 12 triệu người Ukraine đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn kể từ đầu xung đột. Trong đó, hơn 5 triệu người đã sơ tán ra nước ngoài, 7 triệu người di tản đến các vùng khác của đất nước. Đến nay, hàng trăm nghìn người đã trở về quê hương, nhất là ở các thành phố như Kiev.

Trong một thông điệp đăng tải trên Facebook ngày 24/7, Bộ Y tế Ukraine thống kê, ít nhất 18 nhân viên y tế đã thiệt mạng, hơn 50 nhân viên y tế bị thương và gần 900 cơ sở y tế của nước này bị tàn phá. Theo trang Kyiv Independent, 183 cơ sở tôn giáo, các hệ thống cầu đường, vô số nhà cửa, công trình xây dựng của Ukraine đã bị hủy hoại hoàn toàn hoặc một phần trong 5 tháng chiến sự vừa qua.

Bộ Kinh tế Ukraine ước tính tổng thiệt hại về vật chất của nước này do xung đột vào khoảng 564 - 600 tỷ USD, tức là gấp 2,8 - 3 lần GDP của đất nước năm 2021. Phát biểu tại Hội nghị tái thiết Ukraine ở Thụy Sĩ ngày 4/7, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal tuyên bố nước này cần 750 tỷ USD tái thiết.

Cả Ukraine và Nga đều không công khai quân số thương vong trong xung đột. Tình báo Anh và Mỹ nhận định, khoảng 15.000 lính Nga đã thiệt mạng và có thể gấp 3 số lính đó bị thương. Trong khi đó, Kiev ước tính gần 36.200 lính Nga đã thiệt mạng.

Theo Tuấn Anh (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/nhung-diem-then-chot-trong-xung-dot-nga-ukraine-2043899.html