Thế giới

Những công ty Trung Quốc liên tiếp 'chịu trận' với lực lượng biểu tình ở Myanmar

Các nhà máy do Trung Quốc tài trợ một khu công nghiệp ở Yangon bị đốt phá, khiến lực lượng an ninh nổ súng vào người biểu tình, làm nhiều người chết.

Xiang Jun dành hơn hai năm và gần 1,2 triệu USD để mở các nhà máy may mặc tại Myanmar, nhưng giờ đây tha thiết muốn hồi hương.

"Ngày nào tiếng súng cũng không ngớt", Xiang Jun, người đàn ông 36 tuổi đến từ tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, cho biết.

Hơn một tháng sau cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar, việc đối phó phong trào biểu tình ủng hộ chính quyền dân sự đã trở thành cuộc xung đột đẫm máu, với hơn 200 người được cho là đã thiệt mạng và hàng nghìn người bị bắt.

Các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là thuộc sở hữu của Trung Quốc, đang bị cuốn vào sự hỗn loạn khi trở thành mục tiêu của người biểu tình. Bắc Kinh bị cho là ủng hộ chính quyền quân sự.

Những công ty Trung Quốc liên tiếp 'chịu trận' với lực lượng biểu tình ở Myanmar
Một nhà máy Trung Quốc tại Myanmar bị tấn công. (Ảnh: Red Star) 

"Các anh muốn bao nhiêu tiền, tôi sẽ cho bấy nhiêu. Tôi xin các anh, làm ơn đừng tấn công nhà máy của tôi mà" - ông Gu, chủ một nhà máy ở thành phố Yangon bị thiệt hại nặng nề sau vụ đốt phá, cướp bóc hôm 14-15/3 vừa qua đã van xin những kẻ tấn công tha cho "miếng cơm manh áo" của mình và biết bao công nhân khác.

Nhưng lời khẩn nài của ông Gu đã không có tác dụng. "Nhưng họ chẳng cần tiền. Điều họ muốn thể hiện [thông qua vụ đốt phá] là: 'Tôi không thích người Trung Quốc ở Myanmar" - chủ nhà máy người Trung Quốc chia sẻ với báo giới sau vụ tấn công gây thiệt hại nặng nề.

Ông Gu là một trong số 32 chủ nhà máy dệt may do Trung Quốc đầu tư ở Myanmar đã bị đốt phá và cướp bóc ác liệt gần đây. Theo Đại sứ quán Trung Quốc ở Myanmar, tổng thiệt hại về của cải, vật chất có thể lên đến 240 triệu Nhân dân tệ (tương đương khoảng 36,89 triệu USD). Hai người lao động Trung Quốc đã bị thương trong vụ tấn công.

Hình ảnh từ hiện trường mà Red Stars News (Trung Quốc) nhận được cho thấy tình trạng "thảm khốc" ở khu công nghiệp Laydala. Công dân Trung Quốc họ Li tiết lộ với trang này rằng nhiều người Trung Quốc ở bản địa nhận thấy vụ tấn công hôm 14/3 là một âm mưu có tổ chức.

Li cho hay, trước vụ việc một ngày, vào hôm 13/3 đã xuất hiện tin đồn trong cộng đồng người Hoa về việc các nhóm người Myanmar mang theo dao đi lại trong khu công nghiệp ở Yangon.

"Bọn họ nắm rất rõ chiếc xe nào là xe của nhà máy Trung Quốc, chủ sở hữu là người nào. Mọi người cho rằng nhóm này chỉ có ý định tranh thủ tình trạng hỗn loạn để cướp bóc hoặc chặn xe lừa đảo, ch nên tất cả đều nhắc nhở nhau cẩn trọng khi ra ngoài," cô Li nói.

Việc các doanh nghiệp Trung Quốc trở thành mục tiêu tấn công làm nổi bật tình thế khó xử của Bắc Kinh với cuộc đảo chính. Họ không lên án rõ ràng hoặc trừng phạt quân đội Myanmar, khiến công chúng nước này tức giận.

Tuy nhiên, bình luận viên Lily Kuo và Shibani Mahtani của Washington Post nhận định nếu Trung Quốc công khai chỉ trích các tướng lĩnh Myanmar, quan hệ hợp tác với quân đội nước này cũng sẽ chấm dứt, đồng thời đi ngược lại quan điểm không can thiệp vào công việc nội bộ nước khác của Bắc Kinh.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi Bắc Kinh chỉ trích quân đội Myanmar, đồng thời áp đặt cấm vận với lực lượng này. Trung Quốc bác bỏ vì cho rằng yêu cầu này không phù hợp với lập trường của họ.

Ủy ban Quản lý Quốc gia Myanmar tối 14/3 đã tuyên bố mở rộng thiết quân luật tại Yangon, trao quyền lực hành chính và tư pháp cho chỉ huy quân sự khu vực Yangon.

Đức Minh (nguoiduatin.vn)