Thế giới

Nhiều quốc gia ven biển sẽ biến mất trên bản đồ nếu điều này xảy ra

Một cuộc khảo sát khoa học mới đã phát hiện các sông băng ở Bắc Cực là tác nhân lớn nhất trên thế giới khiến mực nước biển dâng cao.

Một cuộc khảo sát mới cho thấy tình trạng tan băng tại Bắc Cực khiến cứ mỗi giây lại có tới 14.000 tấn nước tại đây đổ ra các đại dương. Các nhà khoa học ở Mỹ, Chile, Canada, Na Uy và Hà Lan đã góp phần nỗ lực vào nghiên cứu trên trong suốt 47 năm qua. Nghiên cứu được đăng trên Environmental Research Letters.

Hiện tượng băng tan với tốc độ ngày càng tăng đã khiến mực nước biển dâng lên hơn 1mm mỗi năm. Từ năm 1971 đến nay, con số này đã lên tới 2,3cm. Trong giai đoạn từ năm 2005-2015, tổng lượng băng mất đi tại Bắc Cực là 447 tỷ tấn/năm, điều này đồng nghĩa với việc cứ mỗi giây lại có 14.000 tấn nước đổ ra biển. Trước đó, trong giai đoạn từ năm 1986 - 2005, theo ước tính, lượng băng tan khoảng 5.000 tấn/giây. Qua đó, có thể thấy, tốc độ tan băng ở Bắc Cực trong giai đoạn từ năm 2005 - 2015 diễn ra nhanh gấp gần 3 lần so với thời kỳ 1986 - 2005. 

Nhiều quốc gia ven biển sẽ biến mất trên bản đồ nếu điều này xảy ra
Một tảng băng tan chảy trôi nổi dọc trên một vịnh hẹp dẫn ra khỏi rìa dải băng Greenland gần Nuuk, Greenland vào năm 2011. Ảnh: Brennan Linsley / AP 

Trong một cuộc phỏng vấn với trang web khoa học Inverse, chuyên gia về khoa học Trái đất Mathieu Morlighem đã nói về cách Trái đất thay đổi do biến đổi khí hậu. 

Tin xấu là khoảng 40% dân số thế giới, sống ở khu vực ven biển, sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi mực nước biển dâng cao. 

"Nhiều quốc gia sẽ biến mất. Một số hòn đảo ở Thái Bình Dương cũng chung số phận. Ai sẽ tiếp nhận những người này? Họ cần có nơi ăn chốn ở và phát triển văn hóa của riêng mình", Morlighem nói. 

Khi các đại dương "len lỏi" vào đất liền, nước mặn sẽ xâm nhập và làm ô nhiễm một số nguồn dự trữ nước ngọt và gây ra nhiều vấn đề hơn cho nhân loại khi di chuyển ra xa bờ. 

Ông Morlighem còn nhắc tới Gulf Stream - một dòng hải lưu ấm khổng lồ chảy từ vùng Caribe tới Bắc Cực. Nếu quá nhiều nước ngọt ở Bắc Cực, Gulf Stream sẽ chịu tác động tiêu cực và đó là tin không vui với châu Âu. 

"Châu Âu khi đó sẽ rất lạnh. Nhiệt độ sẽ giảm mạnh và có thể dẫn tới một thời kỳ như Kỷ Băng Hà thu nhỏ", chuyên gia về khoa học Trái Đất dự đoán.  

"Một hiệu ứng đáng chú ý khác là nếu băng ở 2 cực tiếp tục tan chảy, chuyển động quanh trục của Trái đất sẽ bị ảnh hưởng. Hệ quả là một ngày sẽ dài hơn 24 giờ. 

Các khối băng lớn ở rất gần 2 cực của Trái đất. Nếu chúng tan chảy, lượng nước ở 2 cực của Trái đất sẽ nhiều hơn. Khi đó, hành tinh của chúng ta sẽ quay với tốc độ chậm hơn, dẫn đến thời gian một ngày dài hơn bình thường", chuyên gia Morlighem nói. 

Nhiệt độ giảm mạnh, ngày dài hơn và nhiều quốc gia bị nước biển nhấn chìm... nghe giống như viễn cảnh của "tận thế". Nhưng tin tốt là sẽ mất "hàng triệu năm" để những khối băng tan chảy hoàn toàn. 

Đức Minh (nguoiduatin.vn)