Thế giới

Nhiều nhân viên WHO và các tổ chức phi chính phủ bị cáo buộc lạm dụng tình dục tại châu Phi

51 phụ nữ đã cáo buộc các nhân viên Tổ chức Y tế Thế giới và các tổ chức phi chính phủ hàng đầu lạm dụng tình dục trong khi tham gia công tác đối phó bệnh Ebola.

Cáo buộc lạm dụng

51 phụ nữ đã cáo buộc các nhân viên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các tổ chức phi chính phủ hàng đầu như Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), Oxfam, Bác sĩ không biên giới (MSF), World Vision, ALIMA, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) về việc lạm dụng tình dục trong công tác đối phó bệnh Ebola ở Cộng hòa Dân chủ Congo. Nhưng điều đáng nói là đây không phải là lần đầu tiên một vụ việc như thế này được đưa lên công luận.

Những người phụ nữ này cho biết họ đã nhiều lần bị lạm dụng, chủ yếu là do những người đàn ông tự xưng là các nhân viên quốc tế, trong dịch Ebola từ năm 2018 - 2020. Phần lớn là họ bị lạm dụng và đe dọa nếu không đồng ý sẽ bị sa thải. Trước đây họ không trình báo vì sợ bị trả thù, mất việc hoặc cảm thấy xấu hổ.

Nhiều nhân viên WHO và các tổ chức phi chính phủ bị cáo buộc lạm dụng tình dục tại châu Phi
Nhân viên của WHO thực hiện nhiệm vụ tại CHDC Congo (Nguồn: AP)

Bị tấn công, phục kích và bị nhốt

Những phụ nữ bị lạm dụng là các đầu bếp, nhân viên dọn dẹp và nhân viên tiếp cận cộng đồng. Họ cho biết mình bị những người đàn ông mà họ xác định là nhân viên cứu trợ, đánh thuốc mê bằng đồ uống, phục kích trong văn phòng và bệnh viện hoặc bị nhốt trong phòng. Theo những người phụ nữ này, các vụ lạm dụng xảy ra vào tháng 3. Họ nói rằng, họ đã không báo cáo sự việc vào thời điểm đó vì sợ mất việc làm hoặc bị trả thù hoặc vì xấu hổ. Những người phụ nữ bị lạm dụng cho biết họ không nắm được tất cả quốc tịch của những kẻ lạm dụng họ nhưng có biết một số đến từ Bỉ, Burkina Faso, Canada, Bờ Biển Ngà, Pháp và Guinea.

Therese Mema Mapenzi, giám đốc Trung tâm Olame Bukavu (COB), một tổ chức phụ nữ Công giáo, đã lên án hành vi quấy rối tình dục phụ nữ: "Nó ngăn cản phụ nữ làm việc tự do và tham gia vào các tổ chức, hoạt động nghề nghiệp".

Nhiều nhân viên WHO và các tổ chức phi chính phủ bị cáo buộc lạm dụng tình dục tại châu Phi - 1
Khử trùng xử lý dịch Ebola tại CHDC Congo (Nguồn: Reuters)

WHO - Trung tâm của sự chú ý

Ít nhất 30 phụ nữ cáo buộc nhân viên của WHO đã lạm dụng họ. WHO đã triển khai hơn 1.500 người tham gia hoạt động kiểm soát sự bùng phát của Ebola tại Congo. Họ cho biết đang xem xét "một số lượng nhỏ" các báo cáo lạm dụng hoặc bóc lột tình dục ở Congo.

Phát ngôn viên Fadela Chaib của WHO cho biết: "Chúng tôi sẽ không dung thứ cho hành vi như vậy của bất kỳ nhân viên, nhà thầu hoặc đối tác nào của chúng tôi".

Tổ chức COB cho biết, họ sẽ sẵn sàng hợp tác với WHO để tố cáo các trường hợp lạm dụng phụ nữ, tuy nhiên cũng bày tỏ lo ngại cho sự an toàn của những người tố giác.

Bà Therese Mema Mapenzi cho biết: "Trong nhiều trường hợp chúng tôi đã chứng kiến thì các nạn nhân của quấy rối tình dục và bạo lực tình dục không được bảo vệ tốt. Bất cứ khi nào họ tố cáo những người đã hãm hiếp họ, thay vì được hệ thống tư pháp bảo vệ họ lại bị chính hệ thống tư pháp lên án".

Phản hồi của một số tổ chức liên quan đến các cáo buộc

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres kêu gọi "điều tra đầy đủ" các cáo buộc và có chính sách không khoan nhượng. WHO và hầu hết các nhóm viện trợ đối mặt với các cáo buộc cho biết họ đã có các chính sách để ngăn chặn và báo cáo lạm dụng hoặc bóc lột.

World Vision và ALIMA cũng cho biết họ sẽ tiến hành một cuộc điều tra. Còn người phát ngôn của IOM, MSF, UNICEF và Bộ Y tế Congo cho biết họ không biết gì về các cáo buộc. Thậm chí, một số người đại diện cho các cơ quan này còn nói rằng họ sẽ cần thêm thông tin mới hành động.

Phía Oxfam cho biết họ đã làm mọi thứ trong khả năng để ngăn chặn hành vi sai trái cũng như điều tra và phản ứng trước các cáo buộc.

Nhiều nhân viên WHO và các tổ chức phi chính phủ bị cáo buộc lạm dụng tình dục tại châu Phi - 2
Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại CHDC Congo (Nguồn: AP)

Lạm dụng và bóc lột tình dục - Câu chuyện đã nhiều năm

Nhưng những báo cáo về lạm dụng tình dục không phải là lần đầu tiên được đưa ra ánh sáng ở châu Phi.

Hãng tin AP phát hiện ra rằng trong số 2.000 khiếu nại lạm dụng và bóc lột tình dục được đưa ra nhằm vào các nhân viên Liên Hợp Quốc trên toàn thế giới từ năm 2005 đến năm 2017, hơn 700 vụ xảy ra ở Congo.

Vào tháng 9, Liên Hợp Quốc đã mở một cuộc điều tra về các cáo buộc lạm dụng tình dục và bóc lột phụ nữ của các nhân viên ở vùng Karamoja của Uganda.

Năm 2016, gần 100 phụ nữ và trẻ em gái ở Cộng hòa Trung Phi đã cáo buộc các nhân viên của lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc về tội hãm hiếp, lạm dụng và bóc lột tình dục. Một nửa trong số 130 cáo buộc cuối cùng đã bị bác bỏ.

Theo Nguyễn Hà (VTV)




https://vtv.vn/the-gioi/cao-buoc-nhieu-nhan-vien-who-va-cac-to-chuc-phi-chinh-phu-lam-dung-tinh-duc-tai-chau-phi-20201001111520803.htm