Thế giới

Nhật xả thẳng nước nhiễm phóng xạ xuống biển: Trung-Hàn 'tái mặt', Mỹ lại bất ngờ ủng hộ

"Hành động này là vô cùng vô trách nhiệm và sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe và sự an toàn của người dân các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế" - Bắc Kinh tuyên bố.

Nước nhiễm phóng xạ

Bắc Kinh cảnh báo rằng Trung Quốc có thể có hành động đáp trả quyết định của Tokyo về việc xả nước nhiễm phóng xạ từ nhà máy hạt nhân Fukushima xuống biển. Động thái này đã làm tăng thêm căng thẳng trong mối quan hệ vốn đã đi xuống giữa hai nước láng giềng Đông Á.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 13/4 đã chỉ trích chính phủ Nhật Bản là "cực kỳ vô trách nhiệm" trong quyết định xả 1 triệu tấn nước thải ra Thái Bình Dương trong vòng hai năm. Quyết định này đã gây ra sự phản đối dữ dội từ ngành đánh bắt cá địa phương cũng như các nước láng giềng, bao gồm cả Hàn Quốc. Tuy nhiên, Mỹ cho rằng cách làm này "có thể chấp nhận được".

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga phát biểu trong cuộc họp nội các hôm 13/4 rằng quyết định nói trên - vốn bị trì hoãn từ lâu do bị dư luận phản đối và lo ngại về an toàn - là "lựa chọn thực tế nhất". Động thái này được thực hiện một thập kỷ sau thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất kể từ sau thảm họa Chernobyl gây ra bởi một trận động đất và sóng thần khủng khiếp "xé toạc" vùng đông bắc Nhật Bản vào năm 2011.

Nhật xả thẳng nước nhiễm phóng xạ xuống biển: Trung-Hàn 'tái mặt', Mỹ lại bất ngờ ủng hộ
Ảnh: Kyodo

Ông Suga cho biết chính phủ Nhật Bản sẽ "thực hiện mọi biện pháp để đảm bảo tuyệt đối sự an toàn của dòng nước đã qua xử lý và giải quyết các thông tin sai lệch". Ông cho biết nội các của ông sẽ họp lại trong vòng một tuần để phác thảo ra các chi tiết của kế hoạch.

Cơ quan điều hành nhà máy Tokyo Electric Power Company Holdings Inc và các quan chức chính phủ cho biết tritium - một chất phóng xạ ít gây nguy hiểm cho sức khỏe con người ở nồng độ thấp - không thể loại bỏ khỏi nước. Các chất phóng xạ khác, bao gồm stronti và cesium, có thể được loại bỏ khỏi nước trước khi xả.

Trong một tuyên bố hôm 13/4, Bắc Kinh cho biết các mối quan ngại về an toàn vẫn còn và rằng Trung Quốc đã không được Tokyo tham vấn một cách thích hợp về quyết định này.

"Phía Nhật Bản vẫn chưa sử dụng hết các biện pháp - bất chấp sự phản đối trong và ngoài nước. Nhật Bản đã quyết định đơn phương việc xả nước thải hạt nhân của nhà máy Fukushima mà không tham vấn đầy đủ với các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế", thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố.

"Hành động này là vô cùng vô trách nhiệm và sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe và sự an toàn của người dân các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế."

Trung Quốc kêu gọi Tokyo đảo ngược quyết định, nói thêm rằng họ sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến và "sẽ phản ứng thêm".

Nguy cơ từ nguồn nước 

Shaun Burnie, chuyên gia hạt nhân cấp cao của Tổ chức Hòa bình Xanh Nhật Bản, cho biết Biển Hoa Đông đã bị ô nhiễm do rò rỉ caesium từ Fukushima từ năm 2011 - trích dẫn một nghiên cứu mô hình năm 2018 của Đại học Khoa học và Công nghệ Nam Kinh ở Trung Quốc.

Ông nói rằng mặc dù mức độ chất phóng xạ từ Fukushima ở Biển Hoa Đông trong tương lai sẽ không đáng kể so với ở bờ biển Nhật Bản, nhưng không có lý do gì để cho phép nó gây ô nhiễm môi trường biển. Ông Burnie nói, nhiều loại hạt nhân phóng xạ được thải ra biển có thể phá hủy DNA của con người và các sinh vật khác.

Tổ chức Hòa bình xanh Nhật Bản cho biết vụ xả thải đã bất chấp nhân quyền và lợi ích của người dân ở Fukushima, rộng hơn là Nhật Bản và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Kazue Suzuki, nhà vận động khí hậu và năng lượng tại Greenpeace cho biết: "Thay vì sử dụng công nghệ tốt nhất hiện có để giảm thiểu nguy cơ bức xạ bằng cách lưu trữ và xử lý nước trong thời gian dài, họ đã chọn phương án rẻ nhất - xả thải ra Thái Bình Dương".

Cũng trong ngày 13/4, Hàn Quốc bày tỏ "rất lấy làm tiếc" về quyết định của Nhật Bản.

Koo Yoon-cheol, người đứng đầu Văn phòng Điều phối Chính sách Chính phủ của Hàn Quốc cho biết: "Chính phủ rất lấy làm tiếc về quyết định của chính phủ Nhật Bản trong việc xả thải nước bị ô nhiễm từ nhà máy hạt nhân Fukushima ra đại dương."

Koo đã chủ trì một cuộc họp khẩn cấp cấp thứ trưởng để thảo luận về các hành động của Seoul sau thông báo của Nhật Bản trước khi phát biểu trong cuộc họp báo. Ông cho biết chính phủ sẽ "thực hiện mọi biện pháp cần thiết" để giữ cho người dân Hàn Quốc an toàn trước nguồn nước bị ô nhiễm từ nhà máy Fukushima.

Nhiều công dân Hàn Quốc đã tổ chức một cuộc biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Nhật Bản ở Seoul để lên án đề xuất xả thải phóng xạ ra biển của Nhật Bản, gọi đây là một "hành động khủng bố hạt nhân".

Trong khi đó, Tokyo cho biết họ đã phối hợp chặt chẽ và có sự hỗ trợ của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Quyết định này dường như cũng được sự ủng hộ của đồng minh là Mỹ.

"Trong tình huống hiếm có và đầy thách thức này, Nhật Bản đã cân nhắc các lựa chọn và ảnh hưởng, minh bạch về quyết định của mình và dường như đã áp dụng cách tiếp cận phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn hạt nhân được chấp nhận trên toàn cầu", Ned Price, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong một tuyên bố ngày 12/4.

Theo Tất Đạt (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)




https://doanhnghieptiepthi.vn/nhat-xa-thang-nuoc-nhiem-phong-xa-xuong-bien-trung-han-tai-mat-my-lai-bat-ngo-ung-ho-16121130420545520.htm