Thế giới

Nhà virus học người Mỹ: Biến thể Omicron chưa chắc nguy hiểm hơn Delta

So sánh các đột biến của Delta và Omicron, nhà virus học người Mỹ Robert Garry cho rằng nhiều đột biến không đồng nghĩa sẽ tạo thành một loại virus nguy hiểm hơn.

Biến thể Omicron với nhiều đột biến, dường như lây lan nhanh chóng ở Nam Phi, đang khiến các nhà khoa học và giới chức các nước lo lắng. Nhưng, các bác sĩ ở Mỹ cảnh báo người dân vẫn đang phải đối mặt với một biến thể khá ghê gớm là Delta. Delta hiện chiếm hơn 99% các ca Covid-19 được giải trình tự gen ở Mỹ.

"Vẫn có sự gia tăng nghiêm trọng số ca nhiễm biến thể Delta ở Mỹ. Chúng ta nên suy nghĩ về điều đó", Giám đốc Viện Y tế Quốc gia, Tiến sĩ Francis Collins, cho biết. Hiện, mỗi ngày, Mỹ có hơn 70.000 trường hợp mắc Covid-19 và 730 ca tử vong, 15% số bệnh nhân nằm giường hồi sức cấp cứu là người nhiễm Covid-19.

So sánh Omicron và Delta, các nhà khoa học phát hiện, Omicron có tới 50 đột biến, 32 trong số đó nằm trên protein gai, được sử dụng để lây nhiễm virus sang tế bào của con người. Nhưng, Delta cũng có một loạt các đột biến đáng sợ của riêng mình và trở thành phiên bản virus tồi tệ nhất. Delta thay thế các biến thể có đột biến tránh được tác dụng của vắc-xin, chẳng hạn như Beta.

Nhà virus học người Mỹ: Biến thể Omicron chưa chắc nguy hiểm hơn Delta
Hình ảnh so sánh biến thể Omicron và biến thể Delta do nhóm nghiên cứu tại Đại học Bambino Gesu công bố. Ảnh: ANSA

Robert Garry, nhà virus học tại Đại học Tulane (Mỹ) nhận định: “Omicron cùng lúc có nhiều đột biến. Nhưng, chúng ta đã từng chứng kiến một bước tiến hóa nhảy vọt như vậy trước đây”.

“Nhiều đột biến không đồng nghĩa sẽ tạo thành một loại virus nguy hiểm hơn. Chúng ta thực sự chưa biết về tác động tổng thể của tất cả những thay đổi đó”, ông Gary nói. Chuyên gia này không cho rằng nhiều đột biến có thể khiến Omicron dễ lây lan hơn Delta.

Theo các nhà di truyền học khác, Omicron không có một số thay đổi đã giúp khiến Delta rất dễ lây lan.

Hãng tin ANSA của Italia đưa tin, nhóm nghiên cứu tại Đại học Bambino Gesu ở Rome, Italia cũng đã tiến hành nghiên cứu và đưa ra hình ảnh minh họa đầu tiên so sánh các đột biến của biến thể Omicron với đột biến của biến thể Delta. Theo đó, siêu biến thể mới có thể đã biến đổi để thích ứng với cơ thể con người nhưng chưa chắc đã nguy hiểm hơn biến thể Delta.

Nhìn vào hình ảnh có thể thấy cấu trúc protein đột biến của biến thể Omicron ở bên phải và của biến thể Delta ở bên trái. Mặc dù đột biến của biến thể Delta (chấm đỏ bên trái) đã rất đa dạng nếu so sánh với chủng virus SARS-CoV-2 ban đầu, nhưng đột biến của Omicron (chấm đỏ bên phải) còn nhiều hơn hẳn so với Delta và tập trung ở khu vực tương tác trực tiếp với tế bào của con người. Mức độ đột biến giảm dần tại những vùng màu cam, vàng, xanh lá và cuối cùng là xám không có thay đổi gì.

Theo các tác giả nghiên cứu, điều này không có nghĩa là biến thể Omicron nguy hiểm hơn mà chỉ đơn giản là virus đã tạo ra một biến thể thích nghi hơn với con người.

“Tiến hành các nghiên cứu sâu hơn chúng ta sẽ biết được liệu sự thích ứng này là trung tính, ít nguy hiểm hơn hay nguy hiểm hơn”, các nhà khoa học lưu ý.

Trước đó, ngày 26/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chỉ định biến thể B.1.1.529 là "biến thể đáng lo ngại" và đặt tên là Omicron. WHO cho biết, biến thể mới có "số lượng lớn các đột biến, một số đột biến đáng lo ngại". Theo WHO, bằng chứng sơ bộ cho thấy nguy cơ tái nhiễm với biến thể Omicron tăng lên so với các biến thể đáng lo ngại khác. Dữ liệu về biến thể SARS-CoV-2 mới, B.1.1.529, được xác định ở phía nam của Châu Phi, được đưa lên cơ sở dữ liệu quốc tế GISAID vào ngày 22/11.

Minh Hoa (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/nha-virus-hoc-nguoi-my-bien-the-omicron-chua-chac-nguy-hiem-hon-delta-tintuc799403