Thế giới

Nguy cơ quân đội Thái Lan đảo chính nếu bầu cử không như ý

Các nhà lãnh đạo đảng liên kết với quân đội đe dọa sẽ lật đổ chính phủ mà họ không vừa lòng sau cuộc bầu cử ngày 24/3.

Căng thẳng đang âm ỉ giữa tướng Apirat Kongsompong, tư lệnh lục quân quyền lực của Thái Lan, và lãnh đạo các đảng dân chủ tham gia cuộc bầu cử vào ngày 24/3.

Các nhà quan sát lo ngại các cuộc bầu cử có thể là khúc dạo đầu cho cuộc đảo chính tiếp theo của Thái Lan, thay vì lập lại nền tảng dân chủ sau gần 5 năm cai trị của quân đội.

Sự lo lắng bắt nguồn từ khả năng kết quả bầu cử không ủng hộ Palang Pracharat, đảng ủy nhiệm mới được thành lập của chính quyền quân sự đề cử Thủ tướng đương nhiệm Prayut Chan-ocha làm ứng viên thủ tướng.

Nguy cơ quân đội Thái Lan đảo chính nếu bầu cử không như ý
Kể từ khi nắm quyền qua đảo chính năm 2014, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha (phải) đã đảm bảo cho 1.750 tướng quân đội số tiền ngân sách lớn hơn bao giờ hết. Ảnh: AP.

Trong buổi lễ tuyên thệ chưa từng có vào đầu tháng 3, nơi Tướng Apirat cùng hơn 700 sĩ quan cao cấp tôn vinh một vị vua Thái Lan từ thế kỷ trước tại trụ sở của quân đội, Apirat cho biết quân đội sẽ chỉ ủng hộ chính phủ trung thành với chế độ quân chủ.

Cảnh báo của Apirat đã được các đồng minh chính trị của đảng Palang Pracharat hưởng ứng. Một số người ủng hộ đã chia sẻ quan điểm trên mạng xã hội hay vận động cử tri ủng hộ Palang Pracharat hoặc các đồng minh của họ để tránh một cuộc đảo chính khác.

Theo Sunai Phasuk, nhà nghiên cứu cấp cao của Thái Lan cho Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cơ quan giám sát nhân quyền toàn cầu, tin đồn về một cuộc đảo chính khác đã lan truyền trong hai tuần trước cuộc bầu cử.

"Người ta lo ngại rằng quân đội có thể can thiệp nếu kết quả bầu cử không làm hài lòng chính quyền quân sự và các đồng minh chính trị của họ", ông nói.

"Apirat có thể đảo chính sau cuộc bầu cử, rõ ràng là để dập tắt những người biểu tình phản đối kết quả bầu cử, nhưng thực sự là để bảo vệ các đặc quyền quân sự. Cuộc đảo chính của Apirat tất nhiên sẽ khiến Prayut mất quyền lực, biến Apirat thành Prayut 'mới'", Paul Apbers, chuyên gia về an ninh quốc gia Thái Lan tại Đại học Naresuan, miền Bắc Thái Lan, nói với Nikkei Asian Review.

Tuy nhiên, số phận của quân đội Thái Lan trên chính trường có thể nằm trong tay của hơn 50 triệu cử tri đã đăng ký. 

Leelavadee Vajropala, ứng viên của đảng Pheu Thai ở quận Dusit của Bangkok, nơi có nhiều căn cứ quân sự, cho biết số lượng cử tri bỏ phiếu lớn có thể cho thấy thái độ của công chúng đã không còn nghiêng về chính quyền quân sự và quân đội.

"Nếu có 70-80% cử tri đi bầu cử và hầu hết ủng hộ các đảng chống chính quyền, sẽ khó để quân đội bỏ qua điều này và phát động một cuộc đảo chính", bà nói.

Theo Tuyết Mai (Tri Thức Trực Tuyến)