Thế giới

Nguồn gốc COVID-19: WHO đòi đến Vũ Hán 'điều tra lại', Trung Quốc từ chối thẳng thừng trong cuộc họp bí mật

WHO kêu gọi Trung Quốc có thái độ minh bạch đối với cuộc điều tra về nguồn gốc của COVID-19, tuy nhiên yêu cầu điều tra lần thứ 2 vẫn chưa được đáp ứng.

Nguồn gốc COVID-19: WHO đòi đến Vũ Hán 'điều tra lại', Trung Quốc từ chối thẳng thừng trong cuộc họp bí mật

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đề xuất cử một nhóm chuyên gia khác đến Trung Quốc để thực hiện giai đoạn hai của cuộc điều tra truy xuất nguồn gốc của virus SARS-CoV-2, bao gồm điều tra tại các phòng thí nghiệm và chợ thủy sản ở Vũ Hán. Tổ chức này kêu gọi các nhà chức trách Trung Quốc có thái độ minh bạch đối với cuộc điều tra.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đề xuất kế hoạch này với các quốc gia thành viên của WHO vào ngày 16/7. Một ngày trước đó, ông nói rằng giai đoạn đầu tiên của cuộc điều tra đã bị ảnh hưởng bởi việc thiếu dữ liệu thô trong vài ngày đầu tiên sau khi dịch bùng phát ở Trung Quốc.

Điều tra nguồn gốc COVID-19 ở Vũ Hán

Trong giai đoạn thứ hai của cuộc điều tra, ông Tedros cho rằng phạm vi điều tra cần được mở rộng sang con người, động vật hoang dã và chợ động vật ở Vũ Hán. Ngoài ra, ông nói, các đối tượng điều tra cũng nên bao gồm loạt ca mắc bệnh sớm nhất, các phòng thí nghiệm và cơ quan nghiên cứu liên quan được xác nhận ở Vũ Hán vào tháng 12/2019.

Theo trang VOA (Mỹ), phía Trung Quốc kiên quyết phản đối việc đưa các nhà khoa học quốc tế đến Vũ Hán để điều tra. Các nhà ngoại giao cho rằng, phía Trung Quốc đã phản đối điều này một cách mạnh mẽ trong các cuộc đối thoại mật. Họ nói rằng không có cơ sở để thực hiện như kế hoạch của ông Tedros.

Cộng đồng quốc tế đang yêu cầu một cuộc điều tra sâu rộng về nguồn gốc của SARS-CoV-2 để tìm hiểu cách thức loại virus xuất hiện. Nhu cầu này ngày càng gia tăng và gây áp lực rất lớn lên cơ quan y tế của Liên hợp quốc.

Hơn 1 năm sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, vào tháng 1 năm nay, WHO đã nhận được sự chấp thuận của Trung Quốc để cử một nhóm chuyên gia tới Vũ Hán để điều tra. Họ đã làm việc ở Vũ Hán trong khoảng một tháng, nhưng không đưa ra kết luận rõ ràng nào về các vấn đề chính.

Trong báo cáo điều tra công bố hồi tháng 3, các chuyên gia của WHO chỉ nhận định chung rằng virus có thể đã truyền virus từ dơi sang người thông qua một số loại vật chủ trung gian là động vật. Ngoài ra, bản báo cáo cũng ủng hộ quan điểm của Trung Quốc, nói rằng rò rỉ phòng thí nghiệm là "gần như không có khả năng xảy ra".

Mỹ và nhiều quốc gia khác và các nhà khoa học hết sức kêu gọi phải đến Vũ Hán một lần nữa để điều tra, đặc biệt là Viện Virus Vũ Hán, cơ quan phụ trách nghiên cứu virus dơi lúc bấy giờ.

Quan điểm của Tedros về rò rỉ trong phòng thí nghiệm gần đây đã thay đổi rất nhiều. Ông nói, "Tìm nguồn gốc của virus là một hoạt động khoa học phải được thực hiện trong điều kiện tự do mà không có ảnh hưởng chính trị. Vì mục đích này, chúng tôi hy vọng rằng Trung Quốc có thể chia sẻ tất cả dữ liệu liên quan trên tinh thần minh bạch và hỗ trợ giai đoạn tiếp theo của nghiên cứu khoa học."

Trung Quốc coi tuyên bố rằng phòng thí nghiệm làm rò rỉ virus là "vô lý" và đã nhiều lần nói rằng đó là một "sự thao túng chính trị" gây ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc điều tra.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết trong cuộc họp báo thường kỳ rằng WHO cần thêm dữ liệu từ Trung Quốc và nói rằng một số dữ liệu không thể sao chép hoặc đưa ra khỏi Trung Quốc vì nó liên quan đến thông tin cá nhân.

Theo Tất Đạt (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)




https://doanhnghieptiepthi.vn/nguon-goc-covid-19-who-doi-den-vu-han-dieu-tra-lai-trung-quoc-tu-choi-thang-thung-trong-cuoc-hop-bi-mat-161211907062319415.htm