Thế giới >> COVID-19 (nCoV)

Người từng nhiễm Covid-19 có thể bị kháng thể tấn công

Nghiên cứu gần đây cho thấy một số người đã phục hồi Covid-19 có "tự kháng thể" tấn công cơ thể họ thay vì virus, và có thể là nguyên nhân có triệu chứng lâu ngày.

Nghiên cứu của Đại học Emory cho thấy tế bào kháng thể ở bệnh nhân khỏi Covid-19 có thể tấn công những tế bào khỏe mạnh thay vì virus. Đây được cho là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng triệu chứng kéo dài, các nhà khoa học đặt ra nghi vấn.

"Tự kháng thể" kể trên tương tự với phản ứng tự miễn dịch ở các bệnh như lupus, một số dạng viêm gan.

Tuy vậy các nhà khoa học phát hiện họ có thể xét nghiệm những kháng thể kể trên. Họ hy vọng có thể xác định những người có dạng kháng thể này và lên phương án chữa trị thích hợp.

Người từng nhiễm Covid-19 có thể bị kháng thể tấn công
Ảnh minh họa: Shutterstock

Số người nhiễm Covid-19 có triệu chứng dài ngày được cho là liên tục tăng. Daily Mail dẫn nguồn một nghiên cứu cho biết 81 trên tổng số 110 bệnh nhân Covid-19 tại Anh vẫn còn triệu chứng ba tháng sau khi họ xuất viện. Một số nghiên cứu khác đánh giá con số này ở mức khoảng 10%.

Tình trạng triệu chứng kéo dài được ghi nhận trên các nhóm bệnh nhân độ tuổi khác nhau, bao gồm trẻ em, thiếu niên cũng như người cao tuổi. Một số miêu tả họ bị khó thở, dù đã được tuyên bố khỏi bệnh trước đó nhiều tháng. Những người khác cảm thấy mệt mỏi, bị mẩn ngứa da hoặc tiêu chảy.

Các nhóm nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu lý do vì sao nhiều người - trong đó có những người khỏe mạnh trước khi nhiễm virus corona - gặp tình trạng triệu chứng kéo dài, trong khi những bệnh nhân khác hết triệu chứng chỉ sau vài ngày hoặc vài tuần.

Một số nhà khoa học tìm kiếm câu trả lời trên phương diện di truyền, tuy vậy nhóm nghiên cứu ở Đại học Emory đã chỉ ra mối liên hệ giữa phản ứng miễn dịch thái quá của bệnh nhân Covid-19 với một số bệnh khác.

Họ cũng thấy rằng một số protein và tế bào miễn dịch trong máu bệnh nhân Covid-19 cho thấy kháng thể đã tấn công nhầm.

Kháng thể là nhũng protein miễn dịch được tạo ra bởi tế bào B. Chúng được điều chỉnh sau khi cơ thể đã xcas định một loại vi khuẩn hoặc virus mới, chẳng hạn như SARS-CoV-2. Tế bào B dựa trên các đoạn mã gene của mầm bệnh để sản sinh kháng thể.

Tuy vậy đôi lúc hệ thống này nhầm lẫn mã gen con người là mục tiêu, sản sinh ra cái gọi là "tự kháng thể" - kháng thể mà hệ miễn dịch con người sinh ra nhưng tấn công bản thân.

Để kiểm chứng giả thuyết này, nhóm nghiên cứu đã xét nghiệm máu của 52 bệnh nhân Covid-19 đã xuất viện tại thành phố Atlanta, bang Georgia (Mỹ). 44% trong nhóm này có tự kháng thể phản ứng với DNA của con người.

Hơn 70% trong số một nửa nhóm bệnh nhân trên, những người có triệu chứng nặng nhất, có tế bào kháng thể kể trên, và nhiều bệnh nhân cũng có kháng thể trung hòa protein đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra đông máu có lợi.

Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)