Thế giới >> COVID-19 (nCoV)

Người Trung Quốc khó từ bỏ thói quen ăn thịt động vật hoang dã dù xảy ra dịch bệnh

Hai tuần qua, cảnh sát đã đột kích nhiều căn nhà, quán ăn, chợ tạm trên phạm vi cả nước Trung Quốc, bắt giữ gần 700 người vi phạm lệnh cấm săn bắt, buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã.

Theo Reuters, quy mô của đợt truy quét đã thu giữ 40.000 cá thể động vật bao gồm sóc, chồn và lợn rừng này cho thấy thú ăn thịt động vật hoang dã và dùng các bộ phận động vật vào các bài thuốc sẽ khó lòng biến mất ngay lập tức, dù việc tiêu thụ động vật hoang dã được cho là có liên quan tới sự bùng phát của Covid-19.

Những tiểu thương được cấp phép buôn bán lừa, chó, hươu, cá sấu và thịt các động vật khác cho biết họ sẽ trở lại kinh doanh ngay sau khi lênh cấm được bãi bỏ.

"Tôi muốn buôn bán trở lại sau khi lệnh cấm được bãi bỏ," Gong Jian, người quản lý nhiều cửa hàng buôn bán động vật hoang dã ở Nội Mông nói với phóng viên Reuters.

"Khách hàng muốn mua động vật hoang dã. Họ mua về để làm thịt ăn, hoặc làm quà biếu, bởi đây là những món quà rất đáng giá, sẽ giúp họ lấy thể diện rất nhanh," Gong nói thêm.

Gong cho biết thêm rằng anh tích trữ thịt cá sấu, thịt hươu trong tủ đông lạnh, nhưng phải tiêu hủy hết số chim cút đang nuôi, bởi siêu thị không lấy trứng nữa, trong khi loài này không thể ăn thịt hay cho đông lạnh được.

Các nhà khoa học nghi ngờ, dù chưa có bằng chứng xác thực, rằng chủng mới của coronavirus lây truyền từ dơi sang người qua vật trung gian là tê tê. Vảy tê tê là một thành phần quan trọng trong nhiều thang thuốc y học cổ truyền Trung Quốc.

Người Trung Quốc khó từ bỏ thói quen ăn thịt động vật hoang dã dù xảy ra dịch bệnh
Động vật hoang dã bị thu giữ tại một khu chợ ở Vũ Hán (Ảnh: Reuters)

Một số ca nhiễm bệnh đầu tiên của dịch Covid-19 có liên quan tới chợ hải sản ở Vũ Hán, nơi dơi, rắn, cầy hương và nhiều động vật hoang dã khác được bày bán. Giới chức Trung Quốc đã cho đóng cửa những khu chợ như vậy trong tháng 01, cảnh báo rằng việc tiêu thụ động vật hoang dã có thể mang tới nguy cơ y tế và an toàn công cộng.

Tuy vậy, động thái này có thể chưa thay đổi được tiềm thức của người Trung Quốc. "Nhiều người quan niệm động vật sinh ra để phục vụ con người, không phải là tồn tại ngang hàng với con người," Wang Song, một nhà nghiên cứu động vật học hưu trí cho biết.

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát làm dấy lên những tranh luận tại Trung Quốc về việc tiêu thụ động vật hoang dã. Trước đây, những tranh luận này đã nổ ra trong dịch SARS (Hội chứng Hô hấp cấp tính nặng). Các nhà khoa học tin rằng virus SARS lây từ dơi sang người qua vật trung gian là cầy hương.

Nhiều học giả, nhà hoạt động môi trường và người dân Trung Quốc ủng hộ các tổ chức bảo tồn động vật quốc tế trong việc kêu gọi ban hành lệnh cấm buôn bán động vật hoang dã và đóng cửa các khu chợ kinh doanh mặt hàng này. Đa số người trẻ Trung Quốc ủng hộ lệnh cấm vĩnh viễn.

"Cái gì cũng ăn là thói quen xấu. Hãy chấm dứt tiêu thụ động vật hoang dã, ai vi phạm cần phải bỏ tù," một người dùng mạng xã hội Sina bình luận.

Tuy vậy, một nhóm nhỏ cho rằng việc ăn thịt động vật hoang dã có lợi cho sức khỏe. Suy nghĩ của những người này lý giải nhu cầu về động vật hoang dã và cho thấy vì sao các chợ như ở Vũ Hán và các cửa hàng trực tuyến vẫn duy trì hoạt động dù phần lớn là bất hợp pháp.

Người Trung Quốc khó từ bỏ thói quen ăn thịt động vật hoang dã dù xảy ra dịch bệnh - 1
Chợ động vật tươi sống tại Thâm Quyến (Ảnh: AFP/Getty)

"Ngừng ăn thịt động vật hoang dã giống như là không dám ăn vì sợ nghẹn," một người dùng trên mạng xã hội Hupu viết.

Sau khi dịch SARS diễn ra, Cục Quản lý Lâm nghiệp Trung Quốc tăng cường các biện pháp quản lý buôn bán động vật hoang dã, cấp phép cho việc nuôi và buôn bán 54 loại đồng vật hoang dã, bao gồm cầy hương, rùa, cá sấu, đồng thời cho phép nhân giống nhưng loài động vật nguy cấp như gấu, hổ, tê tê nằm mục đích bảo tồn sinh học và môi trường.

Những trang trại chăn nuôi này có thể tạo ra doanh thu lên đến 20 tỷ USD một năm, theo báo cáo được Reuters dẫn lại.

Việc nuôi và buôn bán các loài động vật hoang dã thường diễn ra ở các vùng quê hẻo lánh, được chính quyền địa phương cho phép, bởi đây được coi là đóng góp cho nền kinh tế địa phương.

Tuy vậy, các nhà hoạt động cho rằng các hình thức chăn nuôi chỉ là vỏ bọc cho việc buôn lậu động vật hoang dã, khi mà các loài động vật thường được tiêu thụ hoặc sử dụng trong các bài thuốc thay vì trả tự do về môi trường sống.

Đan Anh (Nguoiduatin.vn)