Thế giới

Người Mỹ chống lừa đảo từ thiện sau thiên tai, bão lũ ra sao?

Để giúp người dân ứng phó với nạn lừa đảo quyên góp từ thiện, chính phủ Mỹ đã đưa ra các hướng dẫn giúp phát hiện và ứng phó với loại hình gian lận này.

Gian lận từ thiện ở Mỹ

Theo báo cáo hàng năm của tổ chức Giving USA về hoạt động từ thiện ở Mỹ, người Mỹ đã đóng góp hơn 471 tỉ USD cho hoạt động từ thiện vào năm 2020. Sự hào phóng này hỗ trợ nguồn lực đáng kể cho các tổ chức từ thiện đầu tư hàng tỉ USD vào hoạt động chăm sóc y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường, nghệ thuật và nhiều mục đích khác.

Nhưng không may, điều này cũng mở ra cánh cửa cơ hội cho những kẻ lừa đảo, những kẻ lợi dụng thiện tâm của các nhà tài trợ để móc hầu bao của họ.

Nước Mỹ đã chứng kiến rất nhiều vụ gian lận từ thiện liên quan đến việc gây quỹ giả cho các cựu chiến binh và cứu trợ thiên tai sau các trận bão, động đất hoặc cháy rừng. Những kẻ lừa đảo từ thiện cũng đặc biệt hoạt động mạnh trong các dịp lễ, mùa tặng quà lớn nhất trong năm. Ngay cả trong thời kỳ đại dịch COVID-19, một loạt lời kêu gọi giả mạo để quyên góp cho các nạn nhân hoặc các nỗ lực ứng phó khẩn cấp cũng đã xuất hiện.

Năm 2017, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) từng ban hành thư cảnh báo về nạn lừa đảo từ thiện lợi dụng thảm họa thiên nhiên trong 2 cơn bão Harvey và Irma. 

Nội dung cảnh báo của FBI viết: ''Những thảm họa như bão Harvey và Irma đã thúc đẩy những kẻ lừa đảo giả mạo một tổ chức từ thiện để kêu gọi lòng hảo tâm quyên góp...''.

Người Mỹ chống lừa đảo từ thiện sau thiên tai, bão lũ ra sao?
Nạn lừa đảo từ thiện xuất hiện ở Mỹ, đặc biệt là sau các đợt thiên tai, bão lũ. Ảnh: AFP

Theo đó, FBI lưu ý người dân nên cảnh giác, và trước khi đưa ra quyết định đóng góp tiền cho hoạt động từ thiện, hãy tìm cách xác nhận tình trạng hợp pháp của tổ chức từ thiện, đảm bảo rằng tổ chức này có tồn tại, thận trọng trước các cá nhân kêu gọi đóng góp từ thiện hoặc các lời kêu gọi gửi qua email.

Nếu phát hiện dấu hiệu gian lận, phải liên hệ và báo cáo với Trung tâm Quốc gia về Gian lận Thiên tai (NCDF). Đây là một cơ quan do Bộ Tư pháp Mỹ thành lập để điều tra, truy tố và ngăn chặn các hành vi gian lận sau các thảm họa thiên nhiên hoặc thảm họa do con người. Hơn 20 cơ quan thuộc chính phủ liên bang Mỹ, trong đó có FBI, tham gia vào hoạt động của NCDF, tạo thành một kho thông tin chung liên quan đến các gian lận cứu trợ thiên tai.

Hướng dẫn cách tránh lừa đảo từ thiện

Theo hướng dẫn trên trang thông tin của chính phủ Mỹ USA.Gov, trước khi quyết định quyên góp tiền bạc hoặc hàng hóa cho một tổ chức từ thiện, người dân cần thận trọng kiểm tra lại tổ chức từ thiện mình định quyên góp, thông qua văn phòng bảo vệ người tiêu dùng tiểu bang hoặc văn phòng Better Business Bureau.

Ngoài ra, đừng nhượng bộ trước những lời kêu gọi, thúc giục phải quyên góp ngay lập tức. Không quyên góp bằng tiền mặt, hãy sử dụng séc hoặc thẻ tín dụng để dễ dàng lưu lại bằng chứng cho các đóng góp, tránh trường hợp gian lận.

Để báo cáo lừa đảo từ thiện, người dân có thể khiếu nại lên Văn phòng bảo vệ người tiêu dùng tiểu bang hoặc Ủy ban Thương mại Liên bang. Nếu hành vi liên quan đến gian lận từ thiện về thiên tai, người dân có thể liên hệ với Trung tâm Quốc gia về Gian lận Thảm họa.

Theo Bảo Châu (Lao Động)




https://laodong.vn/the-gioi/nguoi-my-chong-lua-dao-tu-thien-sau-thien-tai-bao-lu-ra-sao-963231.ldo