Thế giới

Ngoài bỏ nhiệm kỳ chủ tịch, Trung Quốc thay đổi gì trong Hiến pháp?

Chiều 11/3, Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc (quốc hội) đã thông qua nhiều thay đổi trong Hiến pháp.

Thay đổi đáng kể nhất là việc bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước với tỷ lệ đồng thuận áp đảo với 2.958 phiếu thuận, chỉ 2 phiếu chống và 3 phiếu trắng. Những thay đổi này được cho là sẽ giúp ông Tập Cận Bình nắm chiếc ghế chủ tịch trọn đời.

Ngoài ra, theo SCMP, gần 3.000 đại biểu còn nhất trí thông qua những thay đổi sau:

Bổ sung "Tư tưởng Tập Cận Bình"

Ông Tập Cận Bình không chỉ được "bật đèn xanh" để tiếp tục nắm quyền lực tối cao sau nhiệm kỳ thứ hai của mình, kết thúc vào năm 2023, mà "Tư tưởng Tập Cận Bình" còn được đưa vào Hiến pháp, cùng học thuyết “Quan điểm phát triển khoa học” của cựu Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào.

Công nhận vai trò lãnh đạo của đảng Cộng sản

Quyền lực không thể phủ nhận của đảng Cộng sản Trung Quốc đã một lần nữa được khẳng định trong cuộc bỏ phiếu, với việc bổ sung vào Hiến pháp định nghĩa về vai trò lãnh đạo là "đặc trưng quan trọng nhất của chủ nghĩa xã hội mang bản sắc Trung Quốc".

Ngoài bỏ nhiệm kỳ chủ tịch, Trung Quốc thay đổi gì trong Hiến pháp?
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bỏ phiếu thông qua sửa đổi trong Hiến pháp. Ảnh: Reuters.

Xác định nhiệm vụ của Ủy ban Giám sát quốc gia

Cơ quan giám sát kỷ luật mới cùng các đơn vị trực thuộc tại địa phương chính thức trở thành một phần của hệ thống quản lý nhà nước, bên cạnh những cơ quan hành pháp, tư pháp và công tố hiện tại. Ủy ban Giám sát quốc gia sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp trước quốc hội. 

Bổ sung lời của Chủ tịch Tập Cận Bình

Nhiều tư tưởng, quan điểm và chính sách khác của ông Tập cũng được đưa vào Hiến pháp, trong đó có "mô hình phát triển mới", "nâng cao văn minh xã hội và sinh thái", "hài hòa và đẹp đẽ", "(đất nước) hiện đại và hùng mạnh", "trẻ hóa thành công đất nước Trung Quốc", "sẻ chia vận mệnh nhân loại", "phát huy những giá trị xã trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội".

Theo Hoa Hạ (Tri Thức Trực Tuyến)