Thế giới >> COVID-19 (nCoV)

Nghiên cứu cho thấy những người mắc COVID-19 có thể khó loại bỏ hoàn toàn virus ra khỏi cơ thể

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Bristol ở Anh cho biết biến chủng yếu hơn của virus Corona có thể ẩn náu trong cơ thể người khiến những đối tượng bị nhiễm khó có thể loại bỏ hoàn toàn. Biến chủng này đã thay đổi so với chủng virus ban đầu nhưng vẫn tồn tại trong hệ thống miễn dịch của bệnh nhân.

Nghiên cứu cho thấy những người mắc COVID-19 có thể khó loại bỏ hoàn toàn virus ra khỏi cơ thể
Ảnh minh họa

Nhiều biến chủng mới đã xuất hiện kể từ khi phiên bản gốc của SARS-CoV-2 được phát hiện năm 2019 và gây ra đại dịch trên toàn cầu. Đến nay các phương pháp điều trị bằng vaccine và những kháng thể đã được chứng minh là dần kém hiệu quả hơn đối với một số biến chủng này.

Kapil Gupta, một cộng sự nghiên cứu cấp cao về hóa sinh tại Đại học Bristol ở Anh, cho biết: “Kết quả của chúng tôi cho thấy một người có thể có một số biến chủng virus khác nhau trong cơ thể. Chúng ẩn náu trong khi cơ thể đang bận rộn bảo vệ chống lại loại virus chiếm ưu thế. Điều này có thể khiến những bệnh nhân bị nhiễm bệnh khó loại bỏ hoàn toàn SARS-CoV-2. "

Gupta là tác giả chính của một trong hai nghiên cứu mới được công bố gần đây trên tạp chí Nature Communications. (Tạp chí truy cập mở chuyên xuất bản các nghiên cứu trong tất cả các lĩnh vực của khoa học sinh học, hóa học và vật lý thông qua một quá trình bình duyệt nhanh chóng, nhưng cũng vô cùng nghiêm ngặt).

Nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế phát hiện ra rằng virus có thể tiến hóa rõ rệt ở các loại tế bào khác nhau và thích ứng với khả năng miễn dịch của cơ thể đó ở người bị nhiễm bệnh.

Chúng tập trung vào chức năng cụ thể của một "túi protein gai" trên SARS-CoV-2 và kết luận rằng nó đóng một vai trò thiết yếu trong khả năng lây lan của virus.

Trưởng nhóm Imre Berger, giáo sư hóa sinh tại Đại học Bristol, cho biết: “Một loạt các biến thể không ngừng đã thay thế hoàn toàn virus ban đầu, bao gồm cả chủng Omicron và Omicron 2 hiện đang thống trị trên toàn thế giới,”

Giáo sư Berger giải thích: “Nó đã thay đổi hình dạng so với virus ban đầu, nhưng túi protein gai mà chúng tôi phát hiện ra vẫn ở đó, không hề thay đổi.

Trong một nghiên cứu liên quan, các nhà nghiên cứu đã tạo ra các phiên bản tổng hợp của virus để xác định cách thức mà chúng có thể lây nhiễm. Họ phát hiện ra rằng protein đột biến trên virus sẽ thay đổi hình dạng sau khi liên kết với một axit béo. Điều này làm cho hệ thống miễn dịch ít nhìn thấy hơn.

Tác giả nghiên cứu Oskar Staufer cho biết: “Có vẻ như "chiếc túi" này, được đặc biệt sinh ra để tìm các axit béo nhằm đem lại lợi thế cho SARS-CoV-2 bên trong cơ thể người bị nhiễm bệnh, điều đó cho phép nó nhân lên rất nhanh." Staufer là thành viên chung của Viện Max Planck ở Heidelberg, Đức và Trung tâm Max Planck ở Bristol, Vương quốc Anh.

“Điều thú vị ở chỗ, tính năng như vậy cũng cung cấp cho chúng tôi cơ hội duy nhất để đánh bại virus” ông nói thêm.

Một công ty do các nhà nghiên cứu đã được thành lập và đang nghiên cứu để phát triển các loại thuốc kháng virus nhắm vào cơ quan là chiếc túi này của SARS-CoV-2.

Bình Minh (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/nghien-cuu-cho-thay-nhung-nguoi-mac-covid-19-co-the-kho-loai-bo-hoan-toan-virus-ra-khoi-co-the-tintuc812792