Thế giới

Nghi phạm ấu dâm có thể đã bắn xuyên cửa sát hại hai đặc vụ FBI

Nghi phạm ấu dâm nổ súng sát hại hai đặc vụ FBI ở Florida (Mỹ) có thể đã biết chính xác họ tiếp cận căn hộ của hắn như thế nào.

Giới chức Mỹ đang điều tra khả năng hắn sử dụng camera an ninh gắn trên cửa ra vào để theo dõi các đặc vụ di chuyển như thế nào, rồi dùng súng bắn xuyên qua cửa khi họ tiếp cận để đột kích căn hộ của hắn.

Đây được coi là mối nguy hiểm với cảnh sát Mỹ. Camera an ninh đã trở nên phổ biến và được người dân nước này lắp đặt để chống tội phạm, tuy vậy giới tội phạm lại sử dụng các thiết bị này để theo dõi cảnh sát tiếp cận nơi ẩn náu của chúng. Một số camera an ninh gắn trên cửa ra vào thậm chí có cảm biến chuyển động có thể báo động chủ nhà nếu ai đó tiếp cận ở khoảng cách 30 mét.

Các loại camera này, bên cạnh việc giới tội phạm hiện nay sở hữu nhiều loại vũ khí nguy hiểm, khiến lực lượng hành pháp Mỹ gặp nguy cơ đáng kể. Trong những trường hợp như vậy, cửa ra vào và tường của các ngôi nhà, căn hộ thường không giúp ích gì cho họ, theo Ed Davis, cựu cảnh sát trưởng Boston.

"Giới tội phạm đã có súng trường tấn công, và bên cạnh đó còn có hệ thống theo dõi cho phép chúng xác định vị trí cảnh sát đang tiếp cận nơi ẩn náu. Cảnh sát không có sự bảo vệ nào," Davis nói.

Nghi phạm ấu dâm có thể đã bắn xuyên cửa sát hại hai đặc vụ FBI
Hiện trường vụ nghi phạm ấu dâm bắn chết hai đặc vụ FBI (Ảnh: AP)

FBI cho rằng nghi phạm David Huber, 55 tuổi, đã bắn chết hai đặc vụ  Laura Schwartzenberger và Daniel Alfin và khiến ba người khác bị thương. Hắn đã tự tử sau đó.

Cơ quan này không cho biết camera an ninh gắn trên cửa nhà Huber có cảm biến phát hiện được di chuyển hay không, nhưng đó có thể là lý do hắn đã đợi sẵn các đặc vụ tiếp cận căn hộ vào sáng sớm 02/02. Các đặc vụ thường lựa chọn thời điểm sáng sớm để đột kích nơi ẩn náu của các nghi phạm, do chúng thường ngủ vào thời điểm đó.

"Là một nghi phạm ấu dâm, hắn đã rất cảnh giác suốt cả ngày - hắn không muốn bị bắt bởi cái giá phải trả rất lớn," điều tra viên Robert Garland nói.

Thời thập niên 1980-1990, những ngôi nhà có hệ thống camera an ninh bên ngoài thường được coi là nơi ẩn náu của những đối tượng buôn ma túy hay tội phạm khác, theo Davis và David Thomas, một sĩ quan SWAT đã nghỉ hưu. Hệ thống camera an ninh thời điểm đó có giá tới vài nghìn USD.

"Chỉ giới tội phạm mới mua nổi hệ thống đó," Thomas cho biết.

Thời điểm đó, camera an ninh được coi là dấu hiệu tội phạm. Một số thẩm phán thậm chí cân nhắc điều này khi phê chuẩn lệnh khám xét nhà cho lực lượng cảnh sát. Camera lúc đó rất lớn và khó che giấu, cảnh sát thường dễ dàng nhận ra chúng và thay đổi cách tiếp cận để tránh bị phát hiện.

Tuy vậy ngày nay các camera an ninh thường chỉ có giá vài trăm USD, trong khi camera gắn trên cửa giá thậm chí còn thấp hơn. Camera cũng nhỏ và dễ che giấu hơn so với trước đây.

Thomas cho rằng chiến thuật của lực lượng cảnh sát thường đi sau công nghệ tân tiến, do đó cần được cập nhật và điều chỉnh để đối phó với camera an ninh và các hệ thống giám sát khác. Ông cho rằng cảnh sát cần điều các đơn vị chiến thuật được trang bị tốt và sử dụng các chiến thuật đánh lạc hướng khi đột kích, chẳng hạn như phá cửa sổ rồi xông vào qua cửa ra vào.

Các sở cảnh sát cũng có thể yêu cầu thẩm phán ban hành lệnh khám xét không gõ cửa, cho phép họ phá cửa xông vào mà không cảnh báo trước. Tuy vậy, động thái này sẽ vấp phải sự phản đối, bởi một số thành phố đang kêu gọi bãi bỏ lệnh khám xét không gõ cửa do có thể dẫn tới cái chết của thường dân vô tội.

Biểu tình đã nổ ra khắp nước Mỹ sau khi cảnh sát thành phố Louisville, bang Kentucky bắn chết Breonna Taylor trong lúc thực hiện lệnh khám xét không gõ cửa căn nhà của cô.

"Vấn đề này rất phức tạp, nhưng thực tế là cần phải có điều gì đó" giúp các cảnh sát tự bảo vệ mình, Thomas nói.

Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)