Thế giới

Nghi án Nga mua quảng cáo YouTube, Gmail để can thiệp bầu cử Mỹ

Sau Facebook, đến lượt hãng công nghệ Google cáo buộc một số tổ chức Nga mua quảng cáo trên các nền tảng như YouTube, Gmail nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Sau Facebook, đến lượt hãng công nghệ Google cáo buộc một số tổ chức Nga mua quảng cáo trên các nền tảng như YouTube, Gmail nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Google đang điều tra liệu các tổ chức tại Nga có đăng quảng cáo để gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tại Mỹ năm 2016 /// Bloomberg

Google đang điều tra liệu các tổ chức tại Nga có đăng quảng cáo để gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tại Mỹ năm 2016

Google nói đã có bằng chứng việc một số tổ chức ở Nga chi gần 100.000 USD để đăng quảng cáo trên các nền tảng như YouTube, Gmail và Google tìm kiếm. Google cho biết đang điều tra nhưng mới chỉ ở bước đầu tiên.

Reuters ngày 9.10 dẫn một nguồn tin cho biết những người mua quảng cáo trên Google không thuộc tổ chức đã mua quảng cáo trên Facebook. Tuy nhiên, điều này nếu được xác thực sẽ cho thấy Nga có một chiến dịch tuyên truyền ở quy mô rộng lớn.

Hôm 8.10, trang The Daily Beast dẫn lời "những nhà điều tra mạng xã hội" nói ràng chính quyền Nga đã tuyển ít nhất 2 blogger để đăng những video lên YouTube trong thời gian diễn ra tranh cử tổng thống tại Mỹ năm 2016. Những video được đăng có nội dung chỉ trích kịch liệt ứng cử viên Hillary Clinton của đảng Dân chủ.

Những video này dù chỉ có vài trăm lượt xem nhưng theo The Daily Beast, nó chứng tỏ Nga có tuyển dụng người thật để tung tin tuyên truyền chứ không chỉ là dùng các tài khoản ảo trên mạng. Phía Nga chưa bình luận gì về thông tin này.

Hai mạng xã hội Twitter và Facebook gần đây cũng phát hiện và công bố một nhóm người làm việc tại Cơ quan nghiên cứu Internet ở thành phố Saint Petersburg (Nga), mua quảng cáo của 2 hãng này và đăng nội dung có mục đích chia rẽ nhằm gây ảnh hưởng đến người dân Mỹ trước và sau cuộc bầu cử tháng 11.2016.

Tập đoàn Microsoft ngày 9.10 cũng thông báo đang kiểm tra liệu người Nga có mua quảng cáo trên công cụ tìm kiếm Bing và một số sản phẩm khác hay không.

Hiện cơ quan chức năng của Mỹ đang điều tra nghi án Nga can thiệp cuộc bầu cử vào năm 2016 thông qua chiến dịch tuyên truyền trên sản phẩm của các hãng công nghệ. Ủy ban tình báo của thượng và hạ viện Mỹ đã mời đại diện Google, Facebook và Twitter điều trần công khai về vụ việc vào ngày 1.11. Google chưa xác nhận trong khi 2 hãng còn lại đã đồng ý tham gia điều trần.

Theo Bảo Vinh (Thanh Niên Online)