Thế giới

Nghe lời kẻ lừa đảo, con trai bôi tương cà lên người giả vụ bắt cóc để tống tiền mẹ ruột

Người mẹ của một nam sinh có quốc tịch Trung Quốc hiện sống ở Singapore cho biết, con bà đã bị những đối tượng lừa đảo dụ dỗ bôi sốt cà chua lên người để dàn cảnh bắt cóc nhằm đòi bà gửi tiền chuộc.

Nghe lời kẻ lừa đảo, con trai bôi tương cà lên người giả vụ bắt cóc để tống tiền mẹ ruột
Cảnh sát Trung Quốc yêu cầu một người đóng giả nạn nhân vụ bắt cóc để hỗ trợ điều tra. Ảnh: Straits Times.

Cuối tháng 8, Ethan (tên nhân vật đã được thay đổi), du học sinh tại Singapore bất ngờ nhận được cuộc điện thoại của một người tự xưng là quan chức của "Bộ Y Tế" cáo buộc anh đã lan truyền tin đồn về dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc và tham gia vào đường dây buôn lậu thuốc lá tại Singapore.

Biết mình vô tội, Ethan bác bỏ mọi cáo buộc tuy nhiên người này giải thích, rất có thể mẹ Ethan đã cung cấp thông tin cá nhân của anh cho những đối tượng xấu và rất có thể danh tính của du học sinh này đã bị kẻ gian sử dụng để làm những việc phạm pháp.

Quan chức này cũng cho biết, "lực lượng cảnh sát phía Trung Quốc" sẽ liên lạc với Ethan để điều tra thêm về vụ việc.

Khi người được cho là của "lực lượng cảnh sát Trung Quốc" gọi điện cho Ethan, họ cho biết mẹ anh có liên quan đến một đường dây rửa tiền và yêu cầu anh đóng giả một tình huống làm con tin để thuyết phục bà nhận tội.

Theo Straits Times, Ethan là người con rất thân thiết với mẹ và mặc dù không tin mẹ sẽ làm những chuyện liên lụy đến anh hay tham gia vào tổ chức rửa tiền nào đó, nhưng sợ mẹ sẽ vưởng phải vòng lao lý, du học sinh này đã chấp nhận lời yêu cầu dàn dựng một vụ bắt cóc giả.

Trả lời truyền thông, Ethan cho biết: "Tôi biết mình không phạm phải những tội đó, nhưng tôi sợ nếu không tuân thủ yêu cầu của cảnh sát, tôi sẽ không được trở về Trung Quốc hoặc phải ngồi tù."

Ngoài ra Ethan cũng rất lo cho mẹ vì theo anh được biết, hành vi rửa tiền là một rất nghiêm trọng ở Trung Quốc. Theo điều luật tại quốc gia này, những ai phạm vào tội rửa tiền, người này sẽ bị chịu án phạt ít nhất là 10 năm tù cộng với số tiền phải đền bù có giá trị từ 5-20% số tiền thu được từ vụ việc.

Ngoài ra, trong cuộc điện thoại, những kẻ lừa đảo cũng không quên dặn Ethan không liên lạc với bất kỳ ai trong quá trình "cảnh sát đang điều tra."

Ngày 12/9, Ethan được yêu cầu rời khỏi kí túc xá để đến nơi dàn cảnh vụ giả bắt cóc con tin. Những kẻ lừa đảo đã sắp đặt cho Ethan một chiếc xe để đến một nơi không xác định rồi quay đoạn clip với cảnh Ethan đang bị trói trên ghế sofa.

Để làm video chân thực hơn, Ethan được hướng dẫn mua một lọ tương cà trong siêu thị và bôi lên mình để giả máu vì bị thương. Suốt quá trình quay video, nam du học sinh cũng "được" những kẻ lừa đảo dán nhiều băng cứu thương lên người.

"Tôi thấy những việc này rất lạ, nhưng tôi không có bằng chứng để nhận ra đây là trò lừa đảo. Tôi không dám cầu cứu hay tiết lộ chuyện này với ai vì sợ hậu họa về sau." Ethan cho biết.

Sau khi hoàn thành đoạn video, những kẻ lừa đảo đã gửi đoạn băng hình về cho Trung Quốc cho mẹ của Ethan và yêu cầu bà phải nộp khoản tiền chuộc là 1 triệu nhân dân tệ (3,3 tỷ đồng) nếu muốn cứu con mình. Điều kỳ lạ ở chỗ, mẹ Ethan không biết tại sao những kẻ lừa đảo lại có thể có số liên lạc và thông tin chính xác của bà và Ethan dù 2 người ở cách nhau rất xa.

Tuy nhiên người phụ nữ 40 tuổi hiện đang làm nhà thiết kế đã không chấp nhận yêu cầu của những kẻ lạ mặt.

Ngày 13/9, Ethan được cảnh sát Singapore giải cứu an toàn và cho biết anh đã trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo mạo danh quan chức Trung Quốc. Cảnh sát đã nhận được thông báo trước đó một ngày sau khi quản lý kí túc xá nhận ra sự vắng mặt bất thường của Ethan.

Ethan là một trong hai nạn nhân được cảnh sát sắp xếp làm phóng sự trên truyền hình để tường thuật lại những gì mình đã trải qua trong các vụ lừa đảo.

Ngoài Ethan, một nạn nhân khác 24 tuổi, quốc tịch Trung Quốc cũng trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo tương tự. Người này nhập cảnh vào Singapore hồi tháng 7 để đăng kí học Thạc sĩ và cũng được yêu cầu quay video dàn cảnh bị bắt cóc để “phục vụ công tác điều tra của phía cảnh sát Trung Quốc”. Trước đó người này cũng bị các đối tượng lừa đảo cáo buộc buôn lậu thuốc trị Covid-19 vào Singapore.

Nghe lời kẻ lừa đảo, con trai bôi tương cà lên người giả vụ bắt cóc để tống tiền mẹ ruột - 1
Nạn nhân 24 tuổi cũng được yêu cầu quay video dàn cảnh vụ bắt cóc để hỗ trợ điều tra từ "cảnh sát Trung Quốc". Ảnh: Straits Times.

Kể về câu chuyện của mình, Ethan cho biết: "Mẹ tôi đã rất lo lắng khi nghĩ tôi bị thương. Tôi cảm thấy rất áy náy khi nghĩ đến việc các giáo viên cùng các bạn đã gửi tin nhắn hỏi han xem tôi đã bị bắt đi đâu. Sau này tôi sẽ liên lạc thường xuyên hơn với cha mẹ và người giám hộ. Tôi sẽ không dễ dàng tin tưởng một người khác như vậy trong tương lai."

Tính từ đầu năm đến tháng 8/2022, cảnh sát Singapore đã nhận được các báo cáo về 476 vụ lừa đảo giả làm lực lượng chức năng của Trung Quốc đại lục với tổng số tiền các nạn nhân bị lừa đảo lên đến 57,3 triệu SGD (962 tỷ đồng). Trong cùng kỳ năm ngoái, con số này là 474 vụ và số tiền bị lừa là 61,9 triệu đô la Singapore (hơn 1 nghìn tỷ). 

Trong 6 tháng đầu năm nay, giới chức Singapore cho biết đã phát hiện 10 vụ lừa đảo có quy mô lớn với tổng số tiền là 227,8 triệu SGD, tăng 142,5 triệu SGD so với cùng kỳ năm ngoái.

QT (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/nghe-loi-ke-lua-ao-con-trai-boi-tuong-ca-len-nguoi-gia-vu-bat-coc-e-tong-tien-me-ruot-a360879.html