Thế giới

Ngày tàn của hộ khẩu Trung Quốc

Chế độ hộ khẩu ở Trung Quốc ngày càng lộ rõ những bất cập và đang là mục tiêu cải cách ở nước này.

Chế độ hộ khẩu ở Trung Quốc ngày càng lộ rõ những bất cập và đang là mục tiêu cải cách ở nước này.

Cải cách hộ khẩu có thể giúp thay đổi cuộc sống của những đứa trẻ thuộc thế hệ bị bỏ rơi ở Trung Quốc - Ảnh: The Guardian

Vào tháng 6, tại vùng thôn quê thuộc địa cấp thị (tương đương cấp thị xã) Tất Tiết ở tỉnh Quý Châu, tây nam Trung Quốc, xảy ra một thảm kịch chấn động dư luận. Bốn anh em, đứa lớn nhất 13 tuổi và đứa nhỏ nhất mới lên 5, uống thuốc trừ sâu tự tử.

Những đứa trẻ sống bơ vơ bởi mẹ chúng đã bỏ đi, còn người cha lên thành phố làm việc. Đứa anh trai 13 tuổi để lại thư tuyệt mệnh: “Đã đến lúc con phải đi, con đã muốn chết nhiều năm nay”.

Ba năm trước, cũng tại Tất Tiết, 5 trẻ lang thang chết vì ngộ độc khí khi đốt than sưởi ấm trong một thùng rác bên vệ đường.

Những đứa bé trong hai thảm kịch trên nằm trong số hàng chục triệu trẻ em bị bỏ rơi tại nông thôn khi cha mẹ chúng lên thành phố làm việc. Theo tờ The Economist, phần lớn trong số hàng trăm triệu lao động Trung Quốc rời bỏ nhà cửa không mang theo con cái. Ngoài việc không có thời gian chăm sóc, một nguyên nhân lớn khiến cha mẹ phải bỏ con cái ở lại quê là chế độ hộ khẩu ngày càng trở nên bất cập, khiến những đứa trẻ sinh ra ở nông thôn không thể đăng ký đi học trường công ở thành phố cũng như không được hưởng các chính sách chăm sóc y tế tại nơi cha mẹ chúng mưu sinh.

Nguồn gốc và bất cập

Hộ khẩu vốn có vai trò lâu đời trong lịch sử chính trị và quản lý người dân ở Trung Quốc. Từ những triều đại thống nhất cổ xưa cho đến nay, nhà cầm quyền trông cậy vào nhiều hình thức khác nhau của chế độ đăng ký nhân khẩu nhằm củng cố vai trò của nhà nước trong việc định hình đời sống chính trị, xã hội và kinh tế của người dân.
Sau khi lên nắm quyền năm 1949, với mục tiêu công nghiệp hóa nền kinh tế phụ thuộc nặng nề vào nông nghiệp, Đảng Cộng sản Trung Quốc thực tế khuyến khích làn sóng di cư đến các thành phố, đặc biệt những nơi nằm trong nội địa, vốn bị tiêu hao dân số bởi nhiều thập niên chiến tranh và cách mạng. Tuy nhiên, cuối thập niên 1950, luồng người nhập cư tự do tạo ra gánh nặng tài chính và xã hội cho các thành phố không được trang bị đầy đủ về cơ sở hạ tầng cũng như nội lực kinh tế. Điều này làm phát sinh nhu cầu về hệ thống theo dõi và hạn chế luồng di chuyển của lao động bằng cách cố định sinh kế của cá nhân vào sinh quán.

Hệ thống hộ khẩu đáp ứng được nhu cầu đó bằng cách hạn chế nghiêm ngặt khả năng di chuyển của nông dân đến làm việc ở những ngôi làng kế cận, chứ chưa nói đến những thành phố lớn như Thượng Hải hoặc Vũ Hán.

Sự hình thành của hộ khẩu nông thôn và phi nông thôn trên thực tế tạo ra tình trạng bất bình đẳng giữa những người sống ở làng mạc và thành thị. Tuy nhiên, sự phân biệt này không quá rõ rệt khi mà cả nước Trung Quốc còn trong tình trạng nghèo đói cho đến thập niên 1980. Trong phần lớn thời kỳ của Mao Trạch Đông, những người sống ở nông thôn và thành thị về cơ bản là nghèo đói ngang nhau. Nhưng điều này đã thay đổi nhanh chóng sau năm 1978, với nền kinh tế mở cửa và sự trỗi dậy của các trung tâm sản xuất hàng xuất khẩu dọc duyên hải. Nhu cầu về lượng nhân công giá rẻ phục vụ cho “công xưởng của thế giới” làm nảy sinh làn sóng di dân khổng lồ ở Trung Quốc trong vài thập niên qua.

Tuy nhiên, “bức tường thành vô hình” chia cắt nông thôn và thành thị vẫn sừng sững, khiến những người có hộ khẩu nông thôn sống ở thành phố không thể thụ hưởng những chương trình an sinh và phúc lợi cơ bản, bao gồm cả giáo dục công.

Theo các quy định hiện hữu, người nhập cư chỉ xin được giấy phép tạm trú, vốn không mang lại được điều gì khác ngoài việc ghi nhận họ đang sống ngoài nơi đăng ký hộ khẩu. Chế độ hộ khẩu cũng là rào cản buộc con cái những người nhập cư phải quay về nguyên quán để dự thi đại học (cao khảo). Theo Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc (CRI), hiện có hơn 270 triệu người ở Trung Quốc sinh sống và làm việc tại các thành phố như những “công dân hạng hai”. Con số này sẽ tiếp tục gia tăng bởi ngày càng có nhiều người đổ dồn về thành phố tìm việc.

Cải cách là cần thiết

Chức năng quan trọng nhất của hộ khẩu là kiểm soát và hạn chế di cư giữa các khu vực. Nhờ có hộ khẩu, giới chức địa phương và trung ương có thể đánh thuế, kiểm soát ổn định xã hội và bắt lao dịch, đồng thời kiểm soát sự hình thành của “nạn dân”, tức những người chạy loạn chiến tranh, đói kém, mất mùa, thảm họa - một mầm mống của nổi loạn. Dưới thời nhà Tần, bất kỳ ai bị phát hiện đi ra khỏi nơi đăng ký mà không có giấy phép có thể bị bắt, cầm tù hoặc tệ hơn nữa là lưu đày.

Những bất cập ngày càng lộ rõ của chế độ hộ khẩu, kéo theo những hệ lụy tiềm tàng về bất ổn xã hội phát sinh từ sự bất mãn của bộ phận “công dân hạng hai”, buộc giới lãnh đạo Trung Quốc phải xem xét cải cách nhằm xóa bỏ rào cản với những người nhập cư.

Theo quy định vừa được Quốc vụ viện Trung Quốc thông qua trong tuần này, giấy phép tạm trú sẽ được bãi bỏ trên toàn quốc. Thay vào đó là loại giấy phép cư trú mới cho phép người nhập cư ở thành phố được tiếp cận các phúc lợi xã hội căn bản như y tế, giáo dục...

Giáo sư Thái Phưởng thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc nhận xét việc thay đổi chức năng của giấy cư trú sẽ là sự quá độ quan trọng đối với kế hoạch cải cách hộ khẩu ở Trung Quốc. “Trong nhiều năm, con cái của những công nhân nhập cư không được tiếp cận với giáo dục ở các thành phố vì những bất cập của hệ thống hộ khẩu. Khi những đứa trẻ ấy lớn lên và trở thành thế hệ lao động mới, những kỹ năng của chúng không thể đáp ứng nhu cầu nâng cao ngành công nghiệp Trung Quốc. Do vậy, việc thụ hưởng nền giáo dục công bằng không chỉ là vấn đề quan trọng đối với trẻ em nhập cư, mà còn đối với tăng trưởng bền vững trong tương lai”, ông nói với CRI.

Quy định mới của Quốc vụ viện cũng tạo điều kiện dễ dàng hơn để người nhập cư dễ dàng xin cấp hộ khẩu thành phố thông qua hệ thống tính điểm mới. Theo đó, người dân sẽ được phép chuyển đổi hộ khẩu nếu tích lũy đủ điểm thông qua trình độ học vấn, kỹ năng lao động và hồ sơ an sinh xã hội.

Tuy nhiên, bất chấp những thay đổi, Giáo sư Hứa Quang Kiến thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc chỉ ra rằng một số rào cản vẫn tồn tại ngay cả khi những quy định mới có hiệu lực. “Vấn đề lớn nhất là nơi con cái của những người có giấy cư trú mới sẽ thi cao khảo, tức kỳ thi vào đại học. Còn nhiều việc phải làm với sự mất cân bằng nguồn lực giáo dục trên khắp Trung Quốc. Thứ hai, còn phải đợi xem liệu chính quyền địa phương có đủ ngân sách để tài trợ cho nhà ở xã hội hay không, đặc biệt ở những đô thị lớn. Vì sự thiếu hụt nguồn lực, những người có giấy phép cư trú có thể sẽ phải chờ đợi lâu, ngay cả khi chính quyền địa phương cung cấp nhà ở cho họ”, Giáo sư Hứa nói.
 
>> Người đàn ông 35 tuổi có 3 vợ, 6 sổ hộ khẩu

Theo Sơn Duân (Thanh Niên Online)