Thế giới

Ngành kinh doanh thiết bị quay lén ở Hàn Quốc

Thị trường camera "ẩn" ở Hàn Quốc có nguy cơ ế ẩm do phong trào chống nạn quay lén đang bùng lên mạnh mẽ trong xã hội.

Ngành kinh doanh thiết bị quay lén ở Hàn Quốc
Shin Jang-jin giám đốc của công ty kinh doanh camera ẩn Damoacam, thành phố Incheon, Hàn Quốc.

Thoạt nhìn, cửa hàng của anh Shin Jang-jin nằm ở thành phố Incheon, giáp với thủ đô Seoul, Hàn Quốc trông như một hộ kinh doanh chuyên bán các vật dụng phục vụ sinh hoạt hàng ngày, từ bật lửa, đồng hồ đến thiết bị báo cháy. Nhưng sự thực bên trong từng đồ vật ở đây giấu một bí mật đặc biệt: camera ẩn với ống kính chỉ vài milimet.

Suốt vài chục năm kinh doanh mặt hàng này, anh Shin đã bán được hàng nghìn thiết bị. Công việc làm ăn đang diễn ra thuận lợi thì bất ngờ chững lại khi phong trào chống nạn quay lén bùng lên mạnh mẽ trong xã hội Hàn Quốc.

Quay lén là một vấn nạn phổ biến tại Hàn Quốc. Nạn nhân thường là phụ nữ ở nơi công cộng như trong nhà vệ sinh hay phòng thay đồ hoặc đôi khi ở chính ngôi nhà của họ. Theo BBC, số lượng người bị quay lén ở Hàn Quốc được ghi nhận tăng từ 1.353 trường hợp năm 2012 lên 6.500 năm 2017.

Vấn nạn này trở nên nhức nhối đến mức Tổng thống Moon Jae-in phải lên tiếng thừa nhận rằng chụp và quay lén đã trở thành "một phần của cuộc sống thường ngày" và kêu gọi các hình phạt nghiêm khắc hơn đối với những kẻ phạm tội.

Ngành kinh doanh thiết bị quay lén ở Hàn Quốc - 1
Thiết bị quay lén được giấu kín trong một bức tranh.

Đại dịch quay lén buộc Hàn Quốc phải thực hiện nhiều biện pháp đối phó. Hiện thành phố Seoul cắt cử lực lượng đi kiểm tra từng nhà vệ sinh công cộng hàng ngày nhằm phát hiện ra camera lén. 

Gần đây nhất, cảnh sát phanh phui vụ gần 2.000 camera ẩn được lắp đặt tại nhiều khách sạn trên khắp đất nước để quay lén cảnh quan hệ tình dục của khoảng 800 cặp và phát trực tiếp lên mạng. Máy quay được tìm thấy trong ổ điện, đầu kỹ thuật số TV và máy sấy tóc. 

Ngoài ra, Hàn Quốc còn đang phải đối mặt với một hiện tượng khác trong xã hội. Đó là "khiêu dâm trả thù". Chỉ tính riêng năm 2017, có hơn 7.000 đơn thư cầu cứu được gửi tới cơ quan quản lý nhờ giúp gỡ các video nhạy cảm, tăng gấp 7 lần so với 4 năm trước đó. Nạn nhân là những phụ nữ bình thường bị người yêu cũ, chồng cũ hoặc kẻ xấu trả thù bằng cách tung các bức ảnh và video "nhạy cảm" lên mạng. Trong một xã hội bảo thủ và trọng nam khinh nữ như Hàn Quốc, những phụ nữ bị làm nhục trên mạng sẽ đối mặt với sự kỳ thị, bà Seo Lang, người điều hành chiến dịch chống lại tội phạm tình dục trên Internet, cho biết.

Bất chấp áp lực từ dư luận, anh Shin khẳng định thiết bị mà anh bán vẫn có ích lợi, ví dụ, giúp khách hàng thu thập bằng chứng về bạo hành gia đình. Anh Shin kiên quyết từ chối bán hàng cho những kẻ có ý định dùng camera ẩn để quay lén phụ nữ trong nhà vệ sinh. 

"Có khách nghĩ rằng vì cùng là đàn ông, tôi sẽ hiểu ý muốn của họ. Tôi từ chối bán cho những kẻ đó", Shin nói. Tuy nhiên, ông chủ 52 tuổi này thừa nhận không phải lúc nào cũng có thể nhận ra những khách hàng "xấu bụng". 

Năm 2015, Shin đã nếm bài học đau thương khi bị cảnh sát thẩm vấn vì liên quan đến một nghi phạm quay lén phụ nữ trong phòng thay đồ ở một công viên giải trí ngoại ô Seoul. Cảnh sát tóm được một phụ nữ dùng camera ẩn gắn trên vỏ điện thoại. Khi truy xuất nguồn gốc chiếc camera, cơ quan điều tra tìm ra cửa hàng của anh Shin là nơi bán. 

Shin khai rằng anh bán chiếc camera cho một nữ khách hàng và hoàn toàn không biết cô ta sẽ dùng nó để quay các đoạn video "bẩn" và phát tán trên mạng. Theo quy định, khách hàng mua camera ẩn không cần phải khai báo thông tin cá nhân, điều này khiến cơ quan chức năng khó biết ai là người dùng và mục đích sử dụng chiếc camera. 

Ngành kinh doanh thiết bị quay lén ở Hàn Quốc - 2
Một chiếc camera "tí hon" có thể lắp đặt và giấu kín vào bất cứ đồ vật gì.

Để khắc phục bất cập này, cơ quan chức năng đang soạn một dự thảo luật, dự kiến sẽ được đưa ra quốc hội thảo luận vào tháng 8. Những người mua camera ẩn sẽ phải nhập thông tin cá nhân vào hệ thống dữ liệu của chính phủ. 

"Hơn 90% video khiêu dâm đều quay bằng điện thoại, chứ không phải thiết bị đặc biệt", Shin lo lắng dự thảo luật mới sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh. Shin so sánh việc cơ quan chức năng siết chặt quản lý các thiết bị quay ẩn giống như đổ những vụ giết người bằng dao lên đầu những người sản xuất dao. 

Tuy nhiên, theo nhiều nhà hoạt động vì nữ quyền, số liệu mà Shin đưa ra không chính xác. Họ phản biện rằng ở Hàn Quốc điện thoại di động được mặc định cài đặt phát ra âm thanh khi chụp ảnh, đó như là một biện pháp để chống chụp lén. 

"Hầu hết nạn nhân chỉ biết mình bị quay lén sau khi video 'bẩn' lan truyền trên mạng. Nếu kẻ phạm tội dùng điện thoại di động để quay, sẽ dễ bắt được quả tang ngay từ đầu", Lee Hyo-rin, cán bộ làm việc tại trung tâm phản ứng bạo lực tình dục trên mạng, cho hay. "Mục đích duy nhất của những thiết bị (camera ẩn) này là lừa nạn nhân". 

Theo An Hồng (VnExpress.net)