Thế giới

Nga - Ukraine: Cuộc hội đàm lịch sử

Tổng thống Nga và Ukraine sẽ có cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên tại Paris trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh theo định dạng Bộ Tứ Normandy với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel, để thảo luận về cuộc xung đột ở miền Đông Ukraina - Hãng tin Reuters ngày 9/12 cho biết.

Nga - Ukraine: Cuộc hội đàm lịch sử
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Tháo gỡ nhiều vướng mắc

Cuộc gặp diễn ra nhờ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đứng giữa sắp xếp - dự kiến không nhằm đi đến một thỏa thuận hòa bình toàn diện. Song các nhà ngoại giao hy vọng việc này sẽ giúp tăng cường lòng tin giữa hai nhà lãnh đạo.

Hàng nghìn người đã thiệt mạng và một triệu người phải đi sơ tán từ khi lực lượng ly khai thân Nga ở miền Đông Ukraine nổi dậy đòi độc lập vào năm 2014, dẫn đến cuộc xung đột khiến sự bất hòa giữa Nga và phương Tây càng thêm sâu sắc. Phe ly khai nắm quyền kiểm soát các vùng Donetsk và Lugansk không lâu sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine.

Các nhà ngoại giao Nga từng nhấn mạnh rằng vấn đề Crimea không nằm trên bàn đàm phán. Vụ sáp nhập đã giúp gia tăng uy tín của Tổng thống Vladimir Putin trong nước nhưng cũng khiến Moscow hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt quốc tế. Kiev cũng nêu rõ lập trường rằng họ sẽ không bao giờ từ bỏ bán đảo Crimea, vốn vẫn được cộng đồng quốc tế xem là một phần lãnh thổ của Ukraine.

Điện Kremlin mới đây đã gửi đi những tín hiệu rằng họ sẵn sàng làm việc với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, người mà ông Putin nói là “đáng mến” và “chân thật”. Tuy nhiên, Tổng thống Nga cũng không muốn tay không trả lại Crimea và sẽ thúc đẩy việc nới lỏng trừng phạt.

Cuộc gặp ngày 9/12 là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên như vậy trong 3 năm qua, nhằm triển khai thỏa thuận được ký giữa Ukraine và Nga, cùng với Đức và Pháp, tại Minsk, thủ đô Belarus, vào năm 2015.

Mục tiêu của cuộc gặp bao gồm thống nhất giải tán lực lượng ly khai bất hợp pháp, rút lực lượng chiến đấu nước ngoài khỏi Donetsk và Lugansk, và Ukraine giành lại quyền kiểm soát biên giới với Nga, theo một nguồn tin từ Văn phòng Tổng thống Pháp dẫn lại.

Cũng nằm trên bàn đàm phán là lịch trình cho cuộc bầu cử dự kiến được tổ chức tại Donetsk và Lugansk theo Luật Ukraine. Hai vùng này có địa vị đặc biệt theo một ý tưởng được biết đến với tên gọi “Công thức Steinmeier”.

Thu hẹp khoảng cách

Theo các nhà quan sát, cuộc gặp lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Ukraine là cơ hội để thực hiện các bước tiếp theo nhằm giảm sự cô lập của Nga sau việc sáp nhập Crimea năm 2014. Còn đối với Tổng thống Zelensky, đây là cơ hội để chấm dứt cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine.

Tổng thống Putin bước vào các cuộc đàm phán lần này với toàn bộ sức nặng của nước Nga đằng sau ông. Nền kinh tế Nga đã phải chịu các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt nhưng ông Putin vẫn là người đứng đầu một cường quốc ngoại giao và nhà xuất khẩu năng lượng lớn, đồng thời là chỉ huy của một trong những quân đội lớn nhất thế giới.

Trong khi đó, Tổng thống Zelensky mới bước vào nhiệm kỳ Tổng thống được vài tháng, với một Quốc hội trung thành nhưng thiếu kinh nghiệm và các nhà phê bình sẵn sàng chỉ trích bất kỳ sự nhượng bộ nào đối với Nga. Sức ép đối với ông Zelensky cũng rất nặng nề bởi Ukraine đang là nước nghèo nhất châu Âu, nền kinh tế chịu tổn hại nặng nề do chiến sự và phải dựa vào viện trợ từ nước ngoài.

Theo các chuyên gia phân tích, Tổng thống Putin có thể có lợi thế về kinh nghiệm và sự ảnh hưởng, nhưng Tổng thống Zelensky có thể gây ấn tượng sâu sắc. Chính do những sự khác biệt và cả những điểm tương đồng giữa hai nhà lãnh đạo, vòng đàm phán lần này được kỳ vọng mang tới nhiều điều bất ngờ.

Theo Khánh Duy (Đại Đoàn Kết)




http://daidoanket.vn/tin-tuc/nga-ukraine-cuoc-hoi-dam-lich-su-tintuc454387