Thế giới >> COVID-19 (nCoV)

Nga tuyên bố sẵn sàng bồi thường nếu có sự cố liên quan vaccine Covid-19

Nga sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm pháp lý trong trường hợp thử nghiệm vaccine Covid-19 gặp sự cố, thay vì yêu cầu người mua chịu toàn bộ trách nhiệm, theo người đứng đầu quỹ đầu tư dự án phát triển sản phẩm này.

Quyết định này khiến các đơn vị phát triển vaccine có trách nhiệm đền bù nếu có tác dụng phụ ngoài ý muốn xảy ra. Đây là điều các đơn vị sản xuất thường né tránh, bằng cách đòi hỏi bảo vệ trước trách nhiệm pháp lý từ các nước mà họ bán vaccine cho.

Cách tiếp cận này cũng khác biệt so với nhiều nước trên thế giới. Chẳng hạn như tại Mỹ, chính phủ chịu trách nhiệm về vaccine Covid-19. Điều này bảo vệ các nhà phát triển, bởi việc tiêm chủng diện rộng được đánh giá là có lợi cho xã hội.

"Nga rất tự tin vào vaccine và do đó đã không đề nghị bảo vệ khỏi trách nhiệm pháp lý. Đây là điểm khác biệt lớn so với vaccine của các nước phương Tây," Kirill Dmitriev, người đứng đầu Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF) nói.

Nga tuyên bố sẵn sàng bồi thường nếu có sự cố liên quan vaccine Covid-19
Vaccine Covid-19 do Viện Gamaleya phát triển (Ảnh: RDIF/AFP)

Dmitriev không nêu cụ thể liệu người mua vaccine Sputnik-V có được đề nghị chịu trách nhiệm pháp lý một phần hay không, và cũng không nói thêm gì về chi tiết các điều khoản bảo vệ khỏi trách nhiệm pháp lý.

Tuy vậy, ông Fabio Vilas-Boas, người đứng đầu cơ quan y tế bang Bahia, Brazil, nơi đã lên kế hoạch mua 50 triệu liều vaccine Sputnik-V, cho biết các công ty Nga sẽ chịu rủi ro pháp lý, theo Reuters.

"Trong trường hợp có vấn đề nghiêm trọng xảy ra, những người bị tổn hại có thể nộp đơn kiện các công ty dược phẩm," ông Vilas Boas nói.

Tuy vậy hai bang Bahia và Parana, nơi có kế hoạch thử nghiệm vaccine Sputnik-V trên 10.000 tình nguyện viên, đều chưa ký hợp đồng cung cấp vaccine, theo ông Vilas-Boas và ông Gusto Silva, chánh văn phòng thị trưởng bang Parana.

Vaccine Sputnik-V được phát triển bởi Viện Nghiên cứu Gamaleya tại Moscow (Nga). RDIF sẽ cùng chịu trách nhiệm pháp lý trong các hợp đồng cung cấp vaccine, bên cạnh các công ty dược tham gia sản xuất.

Tới nay RDIF đã công bố hợp đồng cung cấp 200 triệu liều vaccine, một nửa cho các nước Mỹ Latin và một nửa cho Ấn Độ. Quỹ này cho biết đã nhận được đơn các đặt hàng lên tới 1 tỷ liều.

Đan Anh (Nguoiduatin.vn)