Thế giới

Nga đòi lại Alaska khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF

Vì Mỹ không tôn trọng Hiệp ước INF và các thỏa thuận song phương khác nên Nga có quyền rút khỏi thương vụ năm 1867 nhượng Alaska cho Mỹ và đòi lại vùng đất này - một nhà sử học Nga đề xuất.

Nga đòi lại Alaska khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF
Đường đi từ Anchorage đến Ninilchik ở Alaska. Ảnh: Sputnik

Trong những tuần gần đây, Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh ý định đơn phương rời khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) Mỹ ký với Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh, và xây dựng kho vũ khí hạt nhân của mình cho đến khi Nga và Trung Quốc "tỉnh ngộ".

Hiện chưa có thông báo chính thức nào được đưa ra, song Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói "một thực tế khách quan" là thỏa thuận tối quan trọng với an ninh quốc gia Nga sắp trở thành lịch sử.

Mỹ đang nỗ lực biện minh cho sự rút lui của mình bằng cách cho rằng Hiệp ước năm 1988 đã lỗi lời vì được ký trong một hoàn cảnh địa chính trị khác, rằng Nga vi phạm Hiệp ước khi phát triển vũ khí bị cấm (dù không có bằng chứng), và rằng việc rút lui không nhằm vào Nga nhưng cần thiết để chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc cùng các quốc gia khác, nơi có tên lửa tầm trung.

Nhà sử học Nikolay Starikov, lãnh đạo phong trào Những người yêu Tổ quốc, trong bài bình luận mới nhất cho rằng phản ứng của Mátxcơva trong tình hình hiện tại là nên "tuyên bố rút khỏi thương vụ nhượng Alaska".

Nhà sử học nhắc rằng, thỏa thuận nhượng Alaska trở thành một phần lãnh thổ Mỹ với giá 7.2 triệu USD một thế kỷ rưỡi trước đây là nhượng quyền chứ không phải bán.

"Thỏa thuận chỉ nói về việc chuyển nhượng lãnh thổ cho Mỹ chứ không xác định rõ trong bao lâu, có nghĩa là không có công thức "cho vĩnh viễn" - vốn là truyền thống trong các hiệp ước ngoại giao ở đây.

Ông Starikov nói, điện Kremlin cần giải thích động thái của mình bằng cách sử dụng logic và lập luận giống như Mỹ đã dùng khi tuyên bố rút khỏi INF.

Theo nhà sử học, Nga cần nhấn mạnh rằng thỏa thuận về chuyển nhượng Alaska cho Mỹ: "Đã lỗi thời vì nó được ký kết trong một hoàn cảnh địa chính trị khác"; "Mỹ tự chịu trách nhiệm vì phá vỡ thỏa thuận vì chưa hoàn thành tất cả nghĩa vụ của mình"; "Việc Nga rút khỏi thỏa thuận không nhằm trực tiếp đến Mỹ mà nhằm mở rộng các cơ hội thương mại của Nga, để thuận tiện hơn trong cạnh tranh với Trung Quốc về thương mại"; "Nga với tư cách là nước kế nhiệm Liên Xô, sẵn sàng hoàn trả 7.2 triệu USD cho Mỹ bằng cách rút khỏi thỏa thuận và Mỹ phải trả lại Alaska cho Nga"...

Với diện tích hơn 1,7 triệu km2 và dân số khoảng 740.000 người, Alaska hiện là 1 tiểu bang của Mỹ, nằm ở cực tây bắc của lục địa Mỹ. Alaska tách hẳn khỏi lục địa Mỹ, nằm sát Canada và có biên giới biển với Nga.

Theo Ngọc Vân (Lao Động)