Thế giới

New York giữa mối đe dọa khủng bố

Trong khi chính quyền New York (Mỹ) triển khai lực lượng bảo vệ hùng hậu để phòng ngừa tấn công thì thực tế người dân lẫn du khách tại đây chẳng tỏ ra lo sợ về mối nguy cơ khủng bố.

New York giữa mối đe dọa khủng bố
Cảnh sát trang bị súng trường canh phòng ở quảng trường Thời đại

“We are stronger. We are NYC” (tạm dịch là: Chúng ta mạnh mẽ hơn, chúng ta là thành phố New York), dòng chữ này xuất hiện ngay hiện trường vụ khủng bố bằng xe bán tải tông 8 người chết và hơn 10 người bị thương vào chiều 31.10 tại New York (theo giờ địa phương).

“Chẳng có gì để tôi phải sợ những gã điên. Tôi còn nhiều thứ đáng lo lắng hơn khi phải nuôi gia đình với 2 đứa con nhỏ”, người tài xế taxi tên Mohamed chia sẻ khi được hỏi liệu anh có sợ hãi sau vụ khủng bố trên. Trên chuyến xe đi từ khu vực quảng trường Thời đại đến hiện trường vụ khủng bố, anh cũng khẳng định rằng những người xung quanh cũng giống mình: chẳng sợ hãi gì sau vụ khủng bố và cuộc sống hằng ngày vẫn tiếp diễn như bình thường. Để chứng minh cho điều đó, Mohamed chỉ về phía những người đang đạp xe trên chính đoạn đường mà chỉ trước đó chưa đến 3 ngày là nơi xảy ra vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất kể từ sau sự kiện 11.9.2001. Đúng như vậy, người người vẫn ngược xuôi cưỡi xe đạp khắp tuyến đường ấy giữa những hàng cây lá vàng êm đềm dọc theo bờ sông Hudson.

Không riêng gì anh tài xế, Minh Huy, một người Việt sinh sống tại New York, cũng chia sẻ: “Ở đây, mọi người còn nhiều thứ để quan tâm. Nghe có vụ tấn công vậy thì biết thế thôi, lo sợ cũng chẳng ích gì, ai cũng lo tập trung vào công việc hằng ngày thôi”.

New York giữa mối đe dọa khủng bố - 1
Cảnh sát trở thành “đặc sản” ở quảng trường Thời đại thu hút du khách

Hàng phòng thủ giữa “thành phố không ngủ”

Chẳng có gì để tôi phải sợ những gã điên. Tôi còn nhiều thứ đáng lo lắng hơn khi phải nuôi gia đình với 2 đứa con nhỏ”. Tài xế taxi tên Mohamed ở New York

Cả Mohamed hay Huy đều không hề nói quá lời. New York với danh xưng là “thành phố không bao giờ ngủ” vẫn tiếp tục nhịp sống dường như chẳng bao giờ dừng lại. Quảng trường Thời đại vẫn chật kín người như những lần tôi từng ghé qua trước đây. Có mặt ở khu vực này chỉ 2 đêm sau vụ đâm xe tang thương, dòng người bất tận vẫn nườm nượp đổ về đây mà không biểu lộ bất cứ sự lo lắng nào.

Sự căng thẳng nếu có chỉ dành cho lực lượng an ninh hùng hậu được triển khai ở quảng trường Thời đại. Cảnh sát hiện diện dày đặc giữa biển người đông như trẩy hội. Kèm theo đó là 2 nhóm cảnh sát vũ trang hạng nặng chốt chặn ở các vị trí cách nhau khoảng 100 m tại khu vực trung tâm của quảng trường. Không chỉ đi bộ hay di chuyển bằng xe chuyên dụng, cảnh sát ở đây còn tuần tra bằng ngựa. Trên những chú ngựa có vóc dáng to lớn, người cảnh sát sẽ có vị trí quan sát bao quát tốt hơn.

Bao bọc xung quanh khu vực hè phố là những khối bê tông lớn nhằm phòng ngừa nguy cơ xe tải đâm vào khách bộ hành. Cuối năm ngoái, sau khi xảy ra hàng loạt vụ tấn công bằng xe tải ở châu Âu, chính quyền New York quyết định triển khai các khối bê tông và những trụ sắt lớn để bảo vệ người dân trong dịp lễ đón năm mới 2017 vốn thường thu hút hàng trăm ngàn người đến quảng trường Thời đại. Nhờ đó, các khu vực vỉa hè ở đây gần như trở thành “lô cốt” vững chãi.

Tuy vậy, các “lô cốt” cùng lực lượng an ninh dày đặc không hề làm cho khu vực này căng thẳng hơn. Cảnh sát New York vẫn như một thứ “đặc sản” của quảng trường để nhiều du khách tiếp cận trò chuyện rồi chụp hình chung. Những khẩu súng trường M16 chẳng làm ai ái ngại. Ngoại trừ 2 nhóm an ninh vũ trang hạng nặng đứng bên trong khu vực được rào chắn, số cảnh sát bên ngoài vẫn sẵn lòng chụp hình cùng mọi người.

New York giữa mối đe dọa khủng bố - 2
Những tảng bê tông ở quảng trường Thời đại phòng ngừa tấn công bằng xe tải
New York giữa mối đe dọa khủng bố - 3
Hiện trường vụ khủng bố 31.10 khá gần với tháp Tự do (tòa nhà có tháp ăng ten cao bên trên)

Vươn lên từ tro tàn

Không chỉ chốn “ăn chơi” như quảng trường Thời đại, hiện trường vụ khủng bố ngày 31.10 cũng chẳng hề bị bao trùm bởi không khí căng thẳng. Sự thay đổi rõ nhất hiện ra chỉ là những khối bê tông vừa được lắp đặt vào sáng 3.11 cũng với mục đích phòng ngừa hành động lái xe tông vào khách bộ hành và người đi xe đạp.

Cách đó vài khu nhà là trung tâm tài chính - nơi xảy ra vụ tấn công khủng bố thảm khốc ngày 11.9.2001. Cả một khu vực được bảo vệ chặt chẽ bằng lực lượng cảnh sát đông đảo. Ngay cả xe chỉ huy với thiết bị giám sát và điều phối liên lạc cũng được triển khai tại cửa ngõ đi vào khu tưởng niệm 11.9.

Đóng tại vùng hạ Manhattan, khu vực World Trade Center bị đổ nát sau vụ khủng bố cách đây hơn 16 năm thì nay đã được xây mới với một tổ hợp nhiều tòa tháp chọc trời thay thế 7 cao ốc cũ. Tâm điểm của quần thể này là tháp One World Trade Center hay còn có tên Freedom Tower (tòa tháp Tự do). Tiêu tốn gần 4 tỉ USD để xây dựng, Freedom Tower chính thức mở cửa từ năm 2015 và trở thành một trong những tòa nhà cao nhất thế giới với chiều cao tổng thể gần 550 m. Bên cạnh tòa nhà là hồ nước cùng bảo tàng tưởng niệm sự kiện 11.9. Ngay sát đó là trung tâm mua sắm Westfield World Trade Center với khoảng không gian kinh doanh nằm bên dưới mặt đất cực kỳ rộng dù chỉ có 2 tầng. Các thương hiệu hàng hóa sang trọng hàng đầu thế giới đều hiện diện tại đây. Westfield World Trade Center có kiến trúc nhìn như một đôi cánh đang sải ra để vươn lên trời cao khiến người ta liên tưởng đến hình ảnh phượng hoàng vươn mình từ tro tàn - giống như khu World Trade Center đang tái sinh từ đống đổ nát ngày trước.

Không chỉ có cảnh quan ấn tượng, khu vực này còn đầy sinh khí với dòng người cuồn cuộn bởi đây là trung tâm tài chính không chỉ của nước Mỹ mà còn của toàn cầu với không ít văn phòng của các tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới, nơi hàng trăm ngàn con người ngày ngày tấp nập tới lui. Hòa trong đó còn là du khách đến từ khắp thế giới. Những tòa nhà khác vẫn đang tiếp tục được xây dựng tại khu World Trade Center. Chẳng riêng gì khu vực này, khắp nơi ở New York là các công trình đang được xây dựng khiến cho thành phố như một đô thị chưa “trưởng thành”, vẫn đang dần phát triển. Người dân vội vã bước đi để theo kịp cuộc sống tất bật ở “thành phố không bao giờ ngủ”. Ai ai cũng chú tâm cho sinh kế giữa những xu hướng thay đổi không ngừng, chứ chẳng phải mối lo ngại khủng bố. Đơn giản như với anh tài xế Mohamed là chuyển sang thuê một chiếc Nissan Altima với giá 400 USD/tuần để “chạy Uber”, thay cho việc tiếp tục thuê một chiếc taxi vàng với giá gần 1.000 USD/tuần để kinh doanh taxi truyền thống.

Theo Ngô Minh Trí (Thanh Niên Online)