Thế giới

Mỹ và Trung Quốc, ai cần cuộc gặp thượng đỉnh hơn?

Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ được tổ chức vào rạng sáng ngày 16/11 (giờ Bắc Kinh) theo hình thức trực tuyến.

Từ đầu năm đến nay, Tổng thống Biden đã có hai cuộc điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình. Ngoài đột phá trong hợp tác về khí hậu giữa hai nước, các cuộc trao đổi, chuyến thăm cấp cao không có nhiều tiến triển thực sự. Cuộc gặp trực tuyến giữa lãnh đạo hai nước lần này là lần đầu tiên ông Biden "gặp" Chủ tịch Trung Quốc.

Theo trang BBC, từ thời cơ và bối cảnh cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo, có thể tìm thấy một số manh mối, từ đó suy ra bên nào chủ động hoặc mong chờ cuộc gặp này hơn, bên nào có lợi thế hơn.

Thời điểm thích hợp hơn với Bắc Kinh

Đối với Bắc Kinh, Phiên họp toàn thể lần thứ 6 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khóa 19 vừa kết thúc, môi trường xã hội hiện tại tương đối ổn định.

Mỹ và Trung Quốc, ai cần cuộc gặp thượng đỉnh hơn?
Phiên họp toàn thể lần thứ 6 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khóa 19 tổ chức tại Bắc Kinh từ ngày 8 đến ngày 11/11.

Giáo sư Chu Chí Quần - Trưởng Khoa Quan hệ Quốc tế tại Đại học Bucknell (Mỹ) - khi trả lời phỏng vấn trang BBC - tin rằng, thời điểm này thích hợp hơn với Bắc Kinh. "Sau khi kết thúc Phiên họp toàn thể lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ, địa vị của Tập Cận Bình đã được củng cố vững chắc và ông Tập sẽ có thêm tự tin và năng lượng trong việc xử lý các mối quan hệ với Mỹ. Nếu mối quan hệ Mỹ - Trung được cải thiện, trong nước Trung Quốc cũng sẽ nhìn thấy những thành tựu của Tập Cận Bình, góp phần nâng cao hơn nữa uy tín và vị thế của ông Tập".

Nhưng Washington lại cần chủ động hơn

Về phía chính quyền Tổng thống Joe Biden, đã gần một năm kể từ khi ông Biden nhậm chức, và việc ông trì hoãn cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc là điều khá bất thường.

Giáo sư Chu Chí Quần cho rằng, Mỹ nên chủ động hơn trong việc thúc đẩy cuộc gặp. Từ lâu, phía Mỹ đã hy vọng ông Tập có thể tới Ý tham gia Hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối tháng 10 và tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh với ông Biden, nhưng ông Biden đã rất thất vọng khi ông Tập không tới.

Các quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc đã gặp nhau nhiều lần trong năm nay, bao gồm cuộc hội đàm ở Alaska (Mỹ) vào tháng 3 và cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman tại Thiên Tân (Trung Quốc) vào tháng 7. 

Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry đã đến thăm Trung Quốc hai lần vào tháng 4 và tháng 9 để hội đàm với đặc phái viên về khí hậu của Trung Quốc Tạ Chấn Hoa. Tuy nhiên, những cuộc đàm phán cấp cao đã không thể "phá băng" mối quan hệ song phương vốn đã "đóng băng".

Nhà Trắng trước đó đã bày tỏ hy vọng hội đàm sẽ được nâng lên thành gặp mặt lãnh đạo hai nước, cũng hy vọng hai nhà lãnh đạo sẽ nhất trí về "lan can" quan hệ giữa hai nước, để đảm bảo cạnh tranh không chuyển thành xung đột. 

Thuật ngữ "lan can" được đề xuất trong chuyến thăm của bà Sherman tới Trung Quốc, với hy vọng thiết lập các thông số rõ ràng để ngăn chặn xung đột giữa hai bên. Tuy nhiên, điều này đã bị Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ, nói rằng "lan can" không thể được xác định một cách đơn phương bởi Mỹ.

Mỹ và Trung Quốc, ai cần cuộc gặp thượng đỉnh hơn? - 1
Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Trong khi đó, chính phủ của ông Biden cũng cần chuẩn bị cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm sau. Nhưng tỷ lệ ủng hộ Tổng thống theo kết quả của cuộc thăm dò mới đây tại Mỹ là rất thấp. "Rõ ràng là ở thế bất lợi", Chu Chí Quần nói với BBC.

"Các vấn đề đối nội và đối ngoại của chính phủ Biden đều sẽ ảnh hưởng tới cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm tới, sẽ là một thách thức lớn đối với Đảng Dân chủ. Vì vậy, cần phải có những đột phá và tiến triển về đối nội và đối ngoại để đảm bảo rằng cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm sau sẽ không có một kết cục tồi tệ", Chu Chí Quần nói.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris gần đây đã đến nước Pháp để cố gắng hàn gắn mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Pháp. Vào tháng 9 năm nay, Australia đã hủy bỏ hợp đồng đóng tàu ngầm với Pháp, thay vào đó là ký thỏa thuận AUKUS với Mỹ và Anh để cùng chế tạo tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân, điều này khiến Pháp rất không hài lòng.

Cố gắng xoa dịu quan hệ với Trung Quốc cũng được coi là một phần trong nỗ lực của chính phủ Biden cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Chu Chí Quần nói: "Nếu đạt được một số tiến triển trong quan hệ với Trung Quốc, chẳng hạn như biến đổi khí hậu và các vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, thì đó sẽ là một điểm cộng cho ông Biden và nâng cao tỉ lệ ủng hộ trong nước".

Tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc ở Glasgow (Scotland) vào đầu tháng 11, Tổng thống Joe Biden nói rằng, không nên để xảy ra xung đột vũ trang giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng cũng lo lắng về những điều ngoài ý muốn có thể xảy ra. 

Ông cũng nói rằng, kể từ khi nhậm chức vào tháng 1 năm nay, ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình "đã có ít nhất 5 hoặc 6 giờ trò chuyện qua điện thoại. Khi đó, tôi đã nói rõ rằng, đây là một cuộc cạnh tranh và không cần thiết phải phát triển thành xung đột, không có lý do gì để xảy ra xung đột".

Tuy nhiên, các quan chức Nhà Trắng gần đây đã cố gắng hạ thấp kỳ vọng của công chúng về kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh.

Phó Thư ký Báo chí của Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói với các phóng viên trong cuộc họp báo vào ngày 8/11: "Chúng tôi đang quản lý sự cạnh tranh giữa hai quốc gia một cách có trách nhiệm và cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo là một phần của nỗ lực, không chỉ là để tìm kiếm một kết quả cụ thể".

Theo Hữu Hiển (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)




https://doanhnghieptiepthi.vn/my-va-trung-quoc-ai-can-cuoc-gap-thuong-dinh-hon-161211511073806738.htm