Thế giới

Mỹ thán phục trước hệ thống lái tự động của Nga

Mỹ đã bị thuyết phục thực sự trước hệ thống lái tự động trên tiêm kích Nga không chỉ bởi những thông số Nga công bố.

Mỹ đã bị thuyết phục thực sự trước hệ thống lái tự động trên tiêm kích Nga không chỉ bởi những thông số Nga công bố.

Nhà sản xuất cho biết, trên tiêm kích Su-35 được trang bị hệ thống FBW tối tân với 4 kênh điều khiển độc lập. Mỗi kênh được dẫn qua một khu vực khác nhau của máy bay và đều nằm cách xa nhau, đảm bảo khả năng dự phòng trong mọi tình huống.

Nếu 1-3 kênh điều khiển bị vô hiệu hóa, phi công vẫn có thể kiểm soát chiếc tiêm kích bình thường nhờ kênh thứ 4. Việc tất cả 4 kênh điều khiển bị phá hủy cùng lúc gần nhưng không thể. Khả năng duy nhất là trường hợp thân máy bay bị phá hủy hoàn toàn.

My than phuc truoc he thong lai tu dong cua Nga
Tiêm kích Su-35.

FBW là hệ thống điện - điện tử thay thế cách điều khiển thủ công truyền thống. Phi công vẫn ra lệnh điều khiển, nhưng chuyển động của cần lái và tay ga sẽ chuyển thành tín hiệu điện tới máy tính kiểm soát bay. Máy tính sau đó điều khiển hệ thống thủy lực để tạo ra chuyển động theo ý muốn phi công.

Hệ thống này giúp giảm tải cho người lái, khi phi công không còn tác động trực tiếp tới cơ cấu thủy lực. Máy tính cũng thực hiện nhiều chức năng mà không cần lệnh từ phi công, như ổn định trạng thái và độ cao máy bay. Bên cạnh đó, FBW có thể ngăn chặn những lệnh điều khiển nằm ngoài khả năng hoạt động của hệ thống, bảo đảm an toàn cho cả phi công và máy bay.

Thông tin về hệ thống FBW thực sự khiến Mỹ ngạc nhiên, tuy nhiên khi chứng kiến pha cứu nguy cho chiếc Su-35 trong một sự kiện của Không quân Nga diễn ra ngày 16/4/2014, người Mỹ mới thực sự thán phục trước hệ thống này.

Theo những hình ảnh được công bố cho thấy, sau khi thực hiện bài biểu diễn, chiếc Su-35 bắt đầu thực hiện các động tác bay để tiếp đất. Mọi thứ vẫn diễn ra bình thường khi bánh đáp sau máy bay bắt đầu chạm mặt đất. Sau đó mọi thứ như một cơn ác mộng. Không rõ vì gió thổi mạnh hay lỗi phi công mà bất ngờ chiếc máy bay lại bay lên và bắt đầu bị mất trọng tâm.

Toàn thân máy bay Su-35 nghiêng trái rất nhanh khiến phần đầu mút cánh trái (nơi có điểm treo tên lửa hoặc các pod trinh sát) chạm mạnh xuống mặt đất, ma sát tạo ra khói, tóe lửa. Trong một nỗ lực tuyệt vời, chiếc Su-35 số hiệu 08 đã kịp xử lý tình hình đưa máy bay cất lên lần nữa lấy lại trọng tâm và hạ cánh an toàn.

Khi quan sát đoạn video được công bố, Tạp chí Popular Science (Mỹ) dẫn phân tích của chuyên gia về hàng không quân sự biết, chỉ có hệ thống lái tự động trên Su-35 mới cứu được chiếc máy bay này thoát hiểm trong tình huống đó.

"Tôi không nghĩ rằng viên phi công đã có bất kỳ phản ứng nhanh nào trong tình huống này - người đó đã rất may mắn khi chiếc chiến đấu cơ bật nảy lại như vậy. Có lẽ hệ thống máy tính trên máy bay đã can thiệp kịp thời", chuyên gia Graham Flack cho biết.

"Không thể lắc lái một chiếc phản lực đang hạ cánh với vận tốc hơn 300 km/h!", Graham Flack nhấn mạnh và cho biết thêm rằng vấn đề xảy ra là do chiếc tiêm kích này đã qua mất điểm chỉnh lái để tiếp đất lý tưởng khi nó bắt đầu vào góc hạ cánh.

"Tốt nhất là chiếc phi cơ phải được căn thẳng hàng với đường băng khi còn cách đất khoảng 90m (300 ft). Trong tình huống này, viên phi công đã xuống thấp hơn nhiều so với độ cao lý tưởng nêu trên.

Cú tròng trành sau chót (khi máy bay liên tục mất tốc độ ngay trên đường băng) khiến phi công hầu như không có thời gian để nhận thấy rằng tốc độ hạ độ cao là quá lớn.

Khi tiếp đất, việc giảm tốc quá đột ngột khiến chiếc phi cơ không đủ tốc độ và độ nâng cần thiết để giữ cánh trái không bị tròng trành – và một khi chuyện đó xảy ra thì sự can thiệp của phi công hầu như không có tác dụng", Graham Flack phân tích.

Theo vị chuyên gia này, hệ thống lái tự động của Su-35 đã được kích hoạt. Hệ thống này được kết nối với hệ thống dẫn đường để đảm bảo máy bay bay đúng đường, tự động tiếp cận địch, tìm được đường về căn cứ và hạ cánh tự động trong tình huống phi công mất kiểm soát.

Một yếu tố khác nữa có lẽ đã giúp ngăn chặn thảm họa chính là khung giá ở đầu cánh máy bay, nơi chịu tác động của sự cố này. Đây là nơi mang tên lửa hoặc các bộ cảm ứng, rất chắc và khoẻ.

"Độ chắc chắn của bộ phận này giúp bảo vệ cánh khỏi những hư hại thật sự, do vậy có thể tránh được một vụ tai nạn. Thực sự là trong sự cố trên, rất may mắn là nó đã giúp chiếc phi cơ bật nảy trở lại vào vị trí thích hợp để hoàn tất việc tiếp đất", Graham Flack kết luận.

Theo Đan Nguyên (Đất Việt)