Thế giới

Mỹ nói F-35 vô song, Nga giễu cợt: Tàng hình thua cả Su-57, sao qua mặt S-300/400 ở Syria

Theo tờ Pravda, quân đội Mỹ đang có ý định triển khai tiêm kích F-35B Lightning II ở Syria. Giới chuyên gia Mỹ nhận định, mẫu máy bay này có thể mang lại nỗi khiếp sợ cho đối thủ.

Mỹ: F-35 mang lại khả năng tấn công vô song

F-35B được kỳ vọng sẽ có khả năng thực hiện bất cứ nhiệm vụ giao phó nào ở Syria. Đây là mẫu tiêm kích hạm duy nhất của Mỹ ở Trung Đông, và quân đội Mỹ có thể sẽ sử dụng chúng trong các chiến dịch quân sự trên lãnh thổ Syria.

Trước đây, Không quân Mỹ chưa từng điều động F-35B tham chiến. Trang tin USNI News dẫn lời Đại úy Christopher Harrison – người phát ngôn của Bộ Tư lệnh Thủy quân lục chiến Mỹ tại Lầu Năm Góc cho hay:

"Quyết định triển khai F-35B vào Bộ chỉ huy miền trung của Mỹ là một cột mốc lớn cho chương trình, xác nhận rằng mẫu máy bay này đã nhập cuộc và tiến hành các chiến dịch tác chiến thực. Nó đang tích cực hỗ trợ các chỉ huy chiến đấu.

Chúng tôi mong muốn chứng minh được năng lực của mẫu tiêm kích tàng hình tiên tiến mới nhất trong đợt triển khai này".

Mỹ nói F-35 vô song, Nga giễu cợt: Tàng hình thua cả Su-57, sao qua mặt S-300/400 ở Syria
Các tiêm kích F-35B trên tàu đổ bộ USS Essex hôm 4/9. Ảnh: Hải quân Mỹ.

F-35B Lightning II được trang bị phần mềm Block 3F, cho phép sử dụng tối đa các đường truyền dữ liệu và làm tăng khả năng mang vũ khí. Ông Harrison cho biết, nhờ khả năng hoạt động trong vùng chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD), F-35 mang lại cho quân đội Mỹ lợi thế khi tiến hành các chiến dịch quân sự.

Song, cũng theo vị đại úy, khác với khi tác chiến ở Iraq và Afghanistan, quân đội Mỹ không có ưu thế trên không ở Syria, do Nga đã triển khai nhiều loại máy bay chiến đấu và hệ thống phòng không mạnh mẽ tại đây.

Trong khi đó, theo Đại úy Christina Gibson, người phát ngôn cho lực lượng hải quân Mỹ tại Bộ chỉ huy miền trung, F-35B có tiến bộ lớn về ưu thế trên không.

Nó kết hợp các tính năng của máy bay chiến đấu thế hệ mới (khả năng tàng hình, cơ động, tốc độ siêu thanh) và khả năng hỗ trợ hậu cần với các gói cảm biến tích hợp mạnh mẽ - toàn diện hơn bất cứ mẫu máy bay chiến đấu nào trong lịch sử.

Nó mang lại cho nhóm tác chiến không-bộ của Thủy quân lục chiến Mỹ khả năng tấn công và sống sót không gì bằng.

Mỹ nói F-35 vô song, Nga giễu cợt: Tàng hình thua cả Su-57, sao qua mặt S-300/400 ở Syria - 1
F-35B cất cánh từ boong tàu đổ bộ USS Essex hôm 2/9. Ảnh: Hải quân Mỹ

F-35B có thể yểm trợ đường không tầm gần trong những môi trường nhiều mối đe dọa mà các phương tiện tác chiến hiện nay sẽ không thể chống chọi hoặc đòi hỏi phải có nhiều thiết bị hỗ trợ.

Không những thế, nó còn có thể bay vào những vùng không phận mà các chiến đấu cơ thế hệ 4 như AV-8B Harrier, F/A-18 Hornet và Super Hornet không thể, từ đó "cho phép phi công và chỉ huy làm được nhiều thứ hơn để yểm trợ các binh sĩ của Mỹ và đồng minh trên mặt đất".

Nga: F-35 không thể qua mặt S-300, S-400

Trái ngược với những lời tung hô từ phía Mỹ, theo cây viết Anton Kulikov trên tờ Pravada, F-35 sẽ gặp khó khăn khi đối đầu với chiến đấu cơ Nga trong trường hợp nổ ra xung đột giữa hai lực lượng Nga-Mỹ tại Syria. Thêm vào đó, mẫu tiêm kích tàng hình của Mỹ sẽ không đủ khả năng để qua mặt các hệ thống phòng không S-300 và S-400 của Nga.

Xét về công nghệ "tàng hình", F-35 tỏ ra thua kém "người tiền nhiệm" F-22 và thậm chí là Su-57 của Nga, trong khi radar của các hệ thống phòng không Nga lại có thể hoạt động ở dải tần số rộng.

Khả năng cơ động của F-35 được đánh giá là ngang ngửa các tiêm kích thế hệ 4 F-15 và F-16.

Mỹ nói F-35 vô song, Nga giễu cợt: Tàng hình thua cả Su-57, sao qua mặt S-300/400 ở Syria - 2
F-35B hạ cánh xuống tàu USS Essex hôm 24/7. Ảnh: Hải quân Mỹ

Trang bị vũ khí của mẫu máy bay này cũng làm dấy lên nhiều câu hỏi. Chẳng hạn, tên lửa không-đối-không tầm gần AIM-9X Sidewinder F-35 không đủ khả năng vượt qua các hệ thống phòng thủ. Ngoài ra, hệ thống pháo trên máy bay, với tốc độ 3.300 phát/phút, khiến cho máy bay phải đu đưa qua lại theo chiều ngang.

Ngay cả khi phi công Mỹ sử dụng radar của F-35 để phát hiện và vòng tránh các loại vũ khí phòng không thì chúng vẫn sẽ vấp phải những vấn đề nghiêm trọng khác, do toàn bộ các cơ sở quân sự của Nga được bảo vệ bởi một trận địa radar.

Theo Kulikov, cần lưu ý rằng, Nga có ưu thế lớn hơn Mỹ trong lĩnh vực tác chiến điện tử.

Tháng 4 năm nay, tờ Breaking Defense dẫn lời Tướng Raymond Thomas - chỉ huy Bộ tư lệnh Các chiến dịch Đặc biệt của Mỹ cho biết, các máy bay tác chiến điện tử EC-130 Compass Call tân tiến của nước này đã bị Nga chế áp và vô hiệu hóa hàng ngày ở Syria.

"Ngay lúc này, tại Syria, chúng ta đang hoạt động ở một môi trường tác chiến điện tử hung hăng nhất hành tinh, do các đối thủ của chúng ta tiến hành. Họ kiểm tra chúng ta hàng ngày, chế áp các hệ thống thông tin và vô hiệu hóa các máy bay EC-130 của chúng ta..." - ông Thomas nói.

Theo bà Lori Moe Buckhout, Đại tá Lục quân nghỉ hưu, đồng thời là một chuyên gia về lĩnh vực EW, "Nga đã tái cơ cấu và tái thiết kế toàn bộ khả năng tác chiến điện tử của họ trong 20 năm qua. Moscow đã đầu tư hàng triệu đô la để nâng cấp các hệ thống EW của họ. Họ đã sở hữu các khả năng sát thương, có thể chế áp hàng loạt tần số từ hàng trăm km".

Theo Vy Lam (Soha/Thời Đại)