Thế giới

Mỹ nhập khẩu tiêm kích Nga làm mục tiêu tập bắn

Nhiều công ty quốc phòng Mỹ mua các dòng máy bay chiến đấu do Liên Xô sản xuất nhằm hỗ trợ không quân trong huấn luyện thực chiến.

Nhiều công ty quốc phòng Mỹ mua các dòng máy bay chiến đấu do Liên Xô sản xuất nhằm hỗ trợ không quân trong huấn luyện thực chiến.

Một chiếc Mig-29 do Liên Xô sản xuất. Ảnh: National Interest.

Trong bối cảnh không quân Mỹ đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các máy bay mô phỏng mục tiêu địch để tập ngắm bắn khi huấn luyện không chiến, một số công ty nắm bắt cơ hội cung cấp cho lực lượng này những phiên bản máy bay huấn luyện do Nga sản xuất, theo National Interest.

Nhà thầu quốc phòng lớn của Mỹ Air USA mới đây mua về 3 phiên bản huấn luyện hai chỗ ngồi của dòng tiêm kích MiG-29UB.

"Các tiêm kích MiG-29 của Air USA được nhập khẩu trực tiếp từ một quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Tất cả thiết bị trên các máy bay này đều do Liên Xô chế tạo. Máy bay có khả năng thực hiện bất cứ nhiệm vụ trên không nào nhằm hỗ trợ công tác huấn luyện và thử nghiệm máy bay chiến đấu mới", Air USA cho biết.

Một số nhà thầu khác như Draken và Pride Aircraft cũng nhập khẩu những dòng máy bay huấn luyện và tiêm kích hiện đại của Nga. Trong khi Draken sở hữu nhiều máy bay Mig-21, Pride Aircraft đã mua hai chiến đấu cơ Su-27 Flanker từ Ukraine.

Tiêm kích Su-27 của Ukraine trình diễn khả năng cơ động.

Gerry Gallop, cựu phi công Mỹ từng đến Ukraine mua hai chiếc Su-27, tỏ ra rất ấn tượng với màn trình diễn tuyệt vời của mẫu tiêm kích do Liên Xô chế tạo.

Theo ông Gallop, chiếc tiêm kích Su-27 mua về có khả năng giữ nguyên tốc độ siêu thanh Mach 1,3 (442m/s) trong vòng 25 phút, khoảng thời gian dài hơn so với nhận định của nhiều chuyên gia Mỹ và cũng tiêu tốn ít nhiên liệu hơn dự kiến.

Tuy nhiên, chi phí để bảo dưỡng các chiến đấu cơ do Liên Xô sản xuất tại Mỹ khá đắt đỏ, khiến không quân và các nhà thầu buộc phải đàm phán kỹ lưỡng về việc bên nào sẽ phải gánh vác khoản chi phí này.

Theo Nguyễn Hoàng (VnExpress.net)