Thế giới

Mỹ lần đầu ghi nhận hơn 4.000 trường hợp tử vong vì Covid-19 trong một ngày

Giới chức Mỹ hôm 07/01 báo cáo hơn 4.000 trường hợp tử vong vì Covid-19 chỉ trong một ngày, mức cao nhất từ khi đại dịch bùng phát.

Đây là ngày thứ ba liên tiếp Mỹ thông báo số trường hợp tử vong trong 24 giờ cao kỷ lục, theo dữ liệu của Đại học John Hopkins. Tổng số ca nhiễm được ghi nhận ở nước này cũng đã lên tới hơn 21,56 triệu.

Dự báo mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho thấy số trường hợp tử vong vì Covid-19 sẽ vào khoảng 405.000 tới 438.000 vào cuối tháng 01.

Số bệnh nhân được điều trị tại các bệnh viện hiện vẫn ở mức rất cao, cụ thể là 132.000 trường hợp, gây lo ngại hệ thống y tế sẽ tiếp tục quá tải.

California hiện là bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch, với hơn 2,5 triệu ca nhiễm và hơn 28.500 người tử vong. Texas (1,9 triệu ca nhiễm, hơn 29.000 người tử vong) và Florida (1,4 triệu ca nhiễm, hơn 22.000 trường hợp tử vong) lần lượt đứng thứ hai và thứ ba.

Mỹ lần đầu ghi nhận hơn 4.000 trường hợp tử vong vì Covid-19 trong một ngày

Số ca nhiễm và số trường hợp tử vong vẫn tiếp tục tăng cao trong bối cảnh Mỹ đang nỗ lực phân phối vaccine Covid-19, trong một quá trình bị chỉ trích là diễn ra quá chậm.

Tổng y sĩ Mỹ Jerome Adams hôm 07/01 cho rằng các bang có thể thực hiện chương trình tiêm chủng diện rộng ngoài khuyến nghị ban đầu - bao gồm tiêm chủng cho nhân viên y tế và người tân tại các trung tâm chăm sóc sức khỏe dài hạn - cần nhanh chóng bắt tay vào việc.

"Các bang không những có thể mà cần phải nhanh chóng mở rộng chương trình tiêm vaccine tới các giai đoạn tiếp theo, nếu nguồn cung hiện tại vượt nhu cầu ở giai đoạn 1a," ông Adams viết trên Twitter.

Việc Ủy ban Cố vấn về Công tác Tiêm chủng xác định các nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine là "khuyến nghị, không phải mệnh lệnh," ông Adams nói thêm.

Giám đốc Ủy ban Y tế bang Kentucky Steven Stack đồng ý với nhận định trên, cho rằng các cơ sở y tế cần tận dụng hết số lượng vaccine họ được phân phối thay vì chỉ tiêm cho những người thuộc các nhóm ưu tiên.

"Đôi lúc, hơn 30% người đủ tiêu chuẩn tiêm vaccine từ chối tiêm chủng khi được đề nghị. Cần phải linh hoạt hơn, nếu không chúng ta sẽ không tiêm vaccine được cho ai," ông Stack cho biết.

"Chúng ta ưu tiên, nhưng cũng tập trung vào việc tránh để vaccine nằm mãi trong thùng lạnh trong một thời gian dài," ông bổ sung thêm.

Trong một cuộc phỏng vấn với NRP, bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, cho rằng quá trình phân phối vaccine vẫn cần vài tuần lễ để có thể bắt kịp với dự đoán trước đó.

Tuy vậy nếu vẫn không thể bắt kịp tốc độ tiêm chủng dự kiến, ông Fauci cho rằng "chúng ta cần phải thay đổi những gì đang làm".

Đan Anh (Nguoiduatin.vn)