Thế giới

Mỹ khẳng định không có kế hoạch rút binh sĩ đồn trú ở Hàn Quốc

Lầu Năm Góc hôm 21/11 đã lên tiếng bác bỏ thông tin cho rằng Mỹ đang cân nhắc về việc cắt giảm một lượng lớn binh sĩ đồn trú của họ ở Hàn Quốc nếu như chính quyền Seoul không chịu tăng thêm chi phí dành cho lực lượng đồn trú trên lãnh thổ của họ.

Mỹ khẳng định không có kế hoạch rút binh sĩ đồn trú ở Hàn Quốc
Mỹ hiện duy trì 28.500 binh sĩ đồn trú ở Hàn Quốc. (Nguồn: Reuters).

Thông tin sai sự thật

Trước đó chỉ vài giờ, tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc dẫn một nguồn tin liên quan đến nội dung cuộc đàm phán về chi phí quốc phòng giữa Mỹ và Hàn Quốc nói rằng: “Tôi nghĩ là Mỹ đang chuẩn bị rút đi một lực lượng nếu các cuộc đàm phán với Hàn Quốc không đúng như ý muốn của Tổng thống Trump”.

Phát biểu làm rõ vấn đề trên, Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jonathan Hoffman nói trong một tuyên bố rằng: “Bài viết mà tờ Chosun Ilbo đưa ra, trong đó nói rằng Bộ Quốc phòng Mỹ đang cân nhắc về việc rút binh sĩ đồn trú khỏi bán đảo Triều Tiên là hoàn toàn sai sự thực”.

“Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper hồi tuần trước đã có chuyến thăm Hàn Quốc, và tại đây ông liên tục nhắc lại cam kết vững chắc của chúng tôi với Hàn Quốc và người dân Hàn Quốc. Những thông tin sai sự thật cho thấy sự nguy hiểm của việc đưa tin lấy nguồn ẩn danh.

"Chúng tôi đề nghị tờ Chosun Ilbo lập tức xóa bỏ bài viết này” – ông Hoffman nói.

Hiện có khoảng 28.500 lính Mỹ ở Hàn Quốc. Một lữ đoàn có khoảng 3.000-4.000 quân và việc giảm quân số sẽ nằm trong giới hạn của Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Quốc gia cho năm tài chính 2019, được Quốc hội Mỹ thông qua.

Không có khoản tiền nào được ủy quyền bởi đạo luật này có thể được sử dụng để giảm tổng số binh lính Mỹ tại Hàn Quốc xuống dưới con số 22.000, trừ khi Bộ trưởng Quốc phòng chứng nhận được sự cần thiết của việc đó trước các ủy ban của Quốc hội.

Sau khi sự việc xảy ra, Đại diện đặc biệt của Mỹ tại Triều Tiên Stephen Biegun cho biết, ông tin rằng Mỹ nên tiếp tục duy trì lực lượng binh sĩ đồn trú tại Hàn Quốc.

“Hàn Quốc là một trong những đối tác liên minh quan trọng nhất của chúng tôi nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi làm việc miễn phí. Chúng tôi cần đàm phán để san sẻ gánh nặng, khó khăn với nhau” – ông Biegun nói.

Bất đồng về chi phí

Sự việc diễn ra ngay trong lúc mà Mỹ và Hàn Quốc đang có bất đồng liên quan tới việc chia sẻ gánh nặng chi phí dành cho lực lượng Mỹ đồn trú trên lãnh thổ Hàn Quốc. Trước đó, phía Mỹ đã yêu cầu Seoul chi nhiều tiền hơn cho việc triển khai quân đội Mỹ.

“Hàn Quốc là một quốc gia giàu có và nên trả nhiều tiền hơn cho việc triển khai quân đội Mỹ ở nước này” – ông Esper nói sau khi kết thúc cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng cho rằng, Washington và Seoul cần phải linh hoạt, điều chỉnh các cuộc tập trận quân sự chung để hỗ trợ các nỗ lực ngoại giao đang diễn ra nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo cho hay, hiệp ước chia sẻ chi phí (Các lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc-USFK) hiện đang được đàm phán. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc không cho biết cụ thể số tiền được coi là hợp lý mà Hàn Quốc sẽ trả theo yêu cầu của Mỹ là bao nhiêu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó thậm chí còn yêu cầu Hàn Quốc phải trả 5 tỷ USD chi phí trong năm 2020 để duy trì lính Mỹ đóng quân trên Bán đảo Triều Tiên. Việc tăng chi phí này khiến nhiều quan chức Lầu Năm Góc không hài lòng cũng như khiến các nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa lo ngại, đồng thời vấp phải phản đối từ giới lãnh đạo Hàn Quốc.

Quan chức Hàn Quốc cho rằng chi tiêu quốc phòng phải được Quốc hội nước này phê chuẩn. Khoản tiền Washington yêu cầu cao gấp 5 lần so với những năm trước và Seoul khó lòng đáp ứng được đòi hỏi này.

Từ tháng 3/2018, Washington và Seoul đã tiến hành 10 vòng đàm phán về chia sẻ chi phí quân sự trong bối cảnh chính quyền ông Trump liên tục kêu gọi Hàn Quốc tăng đóng góp tài chính cho lực lượng đồn trú Mỹ. Hiện tại, khoảng 70% đóng góp của Seoul được dùng để trả lương cho 8.700 nhân viên Hàn Quốc làm việc trong các lĩnh vực hành chính, kỹ thuật và dịch vụ khác cho quân đội Mỹ.

Theo Khánh Duy (Đại Đoàn Kết)