Thế giới >> Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội

Mỹ đòi Triều Tiên tái tham gia hiệp ước cấm phổ biến hạt nhân

Ông Kim Jong-un nghỉ chân hút thuốc ở ga Nam Ninh trước khi tới Việt Nam à Kim Yo Jong - em gái Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, được cho là cánh tay phải c

Báo Korea Times dẫn hai nguồn tin ngoại giao tiết lộ, Mỹ đã yêu cầu Triều Tiên tái tham gia Hiệp ước Không phổ biến hạt nhân (NPT) như một điều kiện then chốt để chứng thực quá trình "giải trừ hạt nhân theo giai đoạn" của Bình Nhưỡng.

"Nhiều khả năng hai bên (Mỹ và Triều Tiên) sẽ ra một tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh dạng nào đó, vì việc này sẽ mang ý nghĩa biểu tượng chính trị. Sự đối đầu dường như đã chấm dứt và Triều Tiên đã nhận được yêu cầu tái tham gia NPT", một nguồn tin giấu tên nói.

Mỹ đòi Triều Tiên tái tham gia hiệp ước cấm phổ biến hạt nhân
Nhà lãnh đạo Triều Tiên và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore ngày 12/6/2018. Ảnh: AP

Theo Korea Times, Triều Tiên rút khỏi NPT năm 2003. Việc tái tham gia hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân này sẽ khôi phục sự hợp tác toàn diện của Bình Nhưỡng như đòi hỏi của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), tổ chức giám sát hạt nhân hàng đầu của Liên Hợp Quốc.

Nguồn tin ngoại giao nhận định, tiến triển thực sự trong các cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân, "điểm gây tranh cãi cốt lõi", sẽ thể hiện qua các kết quả cụ thể của hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 27-28/2. Người này nói thêm, các nhà đàm phán hạt nhân của hai bên đang tập trung nhiều hơn vào thương lượng cách thức sự đóng băng, kiểm tra, giải trừ và sau đó loại bỏ các vũ khí hạt nhân của Triều Tiên theo từng giai đoạn.

Một nguồn tin khác quả quyết, chính quyền của ông Kim Jong Un đã yêu cầu Washington công nhận Triều Tiên là "một quốc gia hạt nhân thực sự". Bình Nhưỡng cũng đòi phía Mỹ phải tìm cách nới lỏng và cuối cùng là gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Triều Tiên, bao gồm cả việc xúc tiến nhiều dự án gắn kinh tế Hàn - Triều, chẳng hạn như tái mở một khu công nghiệp chung cũng như một khu du lịch từng mang lại doanh thu 200 triệu USD tiền mặt mỗi năm.

Theo các nhà phân tích, Washington đang cố gắng thúc đẩy một tiến trình gắn hòa bình với phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Chính quyền của Tổng thống Trump được tin khó có khả năng ra tuyên bố chấm dứt cấm vận Bình Nhưỡng, cũng như rút phần lớn các lực lượng Mỹ khỏi Hàn Quốc vào thời điểm hiện tại.

Trong một diễn biến có liên quan, hãng thông tấn Yonhap đưa tin, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã có mặt tại thủ đô Hà Nội để tham gia quá trình gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai, dù trước đó tên ông không xuất hiện trong danh sách quan chức tháp tùng ông Trump dự sự kiện. Garrett Marquis, người phát ngôn của ông Bolton xác nhận vị cố vấn nổi tiếng cứng rắn này của lãnh đạo Nhà Trắng đã có mặt ở Hà Nội trước khi Tổng thống Trump đến đây tối 26/2.

Theo Tuấn Anh (VietNamNet)