Thế giới

Mỹ đề nghị chấm dứt quy chế tối huệ quốc với Nga

Tờ Reuter ngày 11/3 đưa tin, Mỹ cùng các nước thuộc nhóm G7 và các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu sẽ chấm dứt quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (còn gọi là quy chế tối huệ quốc) với Nga nhằm phản ứng lại chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vào Ukraine. 

Theo tờ Washington Post, ông Biden sẽ công bố quyết định trên vào hôm nay, sau đó Quốc hội Mỹ sẽ xem xét.

Tối huệ quốc là một trong những quy chế pháp lý quan trọng trong thương mại quốc tế hiện đại. Quy chế này được coi là một trong những nguyên tắc nền tảng của hệ thống thương mại đa phương của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Quy chế này đảm bảo một quốc gia sẽ dành cho tất cả các quốc gia đối tác chế độ ưu đãi thương mại ngang nhau.

Giới chuyên gia cho rằng nếu việc hủy bỏ quy chế tối huệ quốc với Nga được thực thi, sẽ mở đường cho Mỹ và các đồng minh tăng thuế quan lên nhiều loại hàng hóa của Nga, điều này sẽ gây áp lực lên một nền kinh tế đang đi vào suy thoái.

Các động thái xiết chặt mối quan hệ với Moscow của Washington diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Châu Âu cáo buộc Nga bắn vào dân thường ở Ukraine trong khi  các bên liên tục vi phạm lệnh ngừng bắn và đổ lỗi cho nhau.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ sẽ tuyên bố ngừng bắn vào thứ Sáu và mở các hành lang nhân đạo từ Mariupol cũng như Kyiv, Sumy, Kharkiv, Mariupol và Chernihiv, mặc dù các lệnh ngừng bắn trước đó đã thất bại.

Mỹ đề nghị chấm dứt quy chế tối huệ quốc với Nga
Dự kiến Tổng thống Joe Biden sẽ đưa ra thông báo chính thức trong hôm nay. Ảnh: USNews

Vào thứ Sáu, ba cuộc không kích ở thành phố Dnipro, miền trung Ukraine đã khiến ít nhất một người thiệt mạng, các dịch vụ khẩn cấp của bang cho biết, đồng thời cho biết thêm rằng các cuộc không kích diễn ra gần một trường mẫu giáo và một tòa nhà chung cư.

Việc xóa bỏ quy chế "Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn" của Nga với Mỹ sẽ làm leo thang đáng kể áp lực lên Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm chấm dứt cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ 2.

Thượng viện Mỹ hôm thứ Năm đã bỏ phiếu thông qua đạo luật cung cấp 13,6 tỷ USD tài trợ đạn dược và các vật tư quân sự khác, cũng như viện trợ nhân đạo cho Ukraine.

Mới nhất, thứ 3 vừa qua, ông Biden đã chính thức áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu và năng lượng của Nga.

Trong một video đăng lên Facebook cá nhân hôm thứ 6, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết Liên minh châu Âu sẽ không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với khí đốt hoặc dầu của Nga.

Ông Putin hôm thứ Năm thừa nhận đã có "những vấn đề và khó khăn" ở Ukraine nhưng Nga sẽ vươn lên mạnh mẽ hơn từ cuộc chiến.

Ngày 9/3, Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định Moskva đã lường trước và có sự chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với những biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan tới chiến dịch quân sự của Moskva tại Ukraine.

Hãng tin TASS dẫn tuyên bố của ông Peskov nêu rõ: "Các biện pháp trừng phạt (của phương Tây) có thể lường trước được. Nhiều biện pháp trừng phạt khác nhau đã được phân tích và xem xét kỹ lưỡng".

Moskva cũng đã triển khai các biện pháp ứng phó để giảm thiểu tác động của các gói trừng phạt khác nhau. Nga đã triển khai một số quyết định, bao gồm các biện pháp đáp trả trong lĩnh vực kinh tế cũng như các biện pháp tạm thời để duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính.

Chính phủ Nga cũng cho biết sẽ tăng cường hỗ trợ các công ty đang bị trừng phạt để giúp họ duy trì việc làm và tiền lương. Chính phủ Nga khẳng định có đủ nguồn lực để đảm bảo hệ thống tài chính ổn định trong bối cảnh hứng chịu các lệnh trừng phạt và các mối đe dọa từ bên ngoài.

HL (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/my-de-nghi-cham-dut-quy-che-toi-hue-quoc-voi-nga-tintuc813616