Thế giới

Mỹ đẩy mạnh huấn luyện đặc nhiệm tinh nhuệ Ukraine: 'Ném đá giấu tay' - quyết phá Nga?

Đặc nhiệm Ukraine đã tham gia vào các nhiệm vụ không quân, lục quân và hải quân của NATO ở cấp độ trung đội và được trang bị các kỹ năng triển khai chiến đấu giống như lính thủy đánh bộ Mỹ.

Tuyển chọn lính đặc nhiệm tinh nhuệ

Tại tỉnh Khmelnitzkaya (Ukraine) đang diễn ra công tác tuyển chọn lính dự bị tác chiến lớp thứ nhất của Trung đoàn Các lực lượng chiến dịch đặc biệt Quân đội Ukraine.

"Hơn 50 lính nghĩa vụ có kinh nghiệm chiến đấu, đến từ các tỉnh, dưới sự chỉ đạo của các sĩ quan huấn luyện, sẽ khôi phục và hoàn thiện kỹ năng về tác chiến đặc nhiệm, hoả lực, kỹ thuật, quân y và địa hình chiến đấu", trang điện tử chính thức của Bộ Quốc phòng Ukraine đăng tải.

Theo lời thượng tá chỉ huy công tác tuyển chọn, Phó trung đoàn trưởng Dmitry Svishov, chỉ có các binh lính nhiệt huyết, sẵn sàng thực hiện mọi mệnh lệnh tham gia khoá đào tạo này.

Bên cạnh đó, ông Svishov cũng nhấn mạnh đây là các lính dự bị của lực lượng đặc nhiệm lớp tổng động viên thứ ba, thứ tư và thứ năm cho chiến dịch chống khủng bố - những người "từng chiến đấu với quân nổi dậy (Donbass) giai đoạn 2014-2015".

Thao trường sẵn sàng tiếp nhận 300 sĩ quan, tuy nhiên chỉ có khoảng 50 người mong muốn được khôi phục những kỹ năng chiến đấu.

Nhưng việc trong số hơn 200 nghìn người từng tham gia vào chiến dịch chống khủng bố theo các lệnh tổng động viên của Tổng thống Poroshenko, chỉ có 50 người tình nguyện tham dự khoá huấn luyện cho thấy nó ít nhận được sự quan tâm. Được biết, làn sóng tổng động viên lần thứ 6 của Ukraine đã thất bại vì có quá nhiều công dân trốn nghĩa vụ.

Mỹ đẩy mạnh huấn luyện đặc nhiệm tinh nhuệ Ukraine: 'Ném đá giấu tay' - quyết phá Nga?
Lính lục quân Ukraine huấn luyện tổ chiến đấu ngày 15/12/2015. Ảnh: Lục quân Mỹ

Người Mỹ huấn luyện

Khoá huấn luyện tại Khmelnitcha lần này được thực hiện nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn của NATO, mặc dù người ta không đề cập tới sự tham gia của các sĩ quan huấn luyện Mỹ. Tuy nhiên, người Mỹ sẽ có mặt.

Cựu lính đặc nhiệm Hải quân Mỹ, chuyên gia quân sự trang thông tin điện tử SouthFront, ông Bryan Kalman chia sẻ rằng, các lực lượng chiến dịch đặc biệt Ukraine, về bản chất, được xây dựng từ con số 0 bởi các chuyên gia của Lầu Năm Góc.

Lý do là Trung đoàn đặc nhiệm số 4 (về bản chất, là đơn vị duy nhất của Quân đội Ukraine trong năm 2014) đã bị vắt kiệt sức trong những trận giao chiến giành sân bay Donetzk và tại Saur-Mogil, cũng như chịu những thiệt hại nặng nề tại các trận đánh Izvarinsk và Ilovaisk.

Người Mỹ đương nhiên bắt đầu trang bị từ quân phục và súng bắn tỉa cho lính đặc nhiệm Ukraine, giống như những gì họ đã từng làm tại Afganistan và Iraq. Từ giờ, lính đặc nhiệm Ukraine sẽ mặc quân phục Multicam của Mỹ và sẽ sử dụng nhiều hơn súng cá nhân, phụ kiện, ống ngắm, thiết bị nhìn ban đêm do phương Tây sản xuất.

Lầu Năm Góc không che giấu việc các sĩ quan huấn luyện Mỹ coi Ukraine như ngôi nhà của mình. Đại uý Hải quân Mỹ Michael Willegas từng tham gia huấn luyện lính đặc nhiệm Ukraine cho biết, trong suốt những năm phối hợp huấn luyện, quân nhân và lính dự bị Ukraine đã tham gia vào các nhiệm vụ không quân, lục quân và hải quân của NATO ở cấp độ trung đội. 

Họ đã được trang bị các kỹ năng triển khai chiến đấu giống như các lính thủy đánh bộ Mỹ. Đặc nhiệm Ukraine đã được đào tạo đổ bộ bí mật tới bất cứ vị trí nào trên các xuồng cao su để tiến hành gài mìn hoặc thậm chí cả đánh chiếm các căn cứ, trấn áp sự chống cự của lực lượng bảo vệ. Người Mỹ đánh giá các kỹ năng này của người Ukraine với thang điểm "giỏi".

Mục tiêu chống phá số 1: Nước Nga?

Trên thực tế, hiện nay người Mỹ đang huấn luyện lính đặc nhiệm Ukraine cách thức hoàn thiện những chiến dịch chống phá. Lầu Năm Góc không ảo tưởng về khả năng Quân đội Ukraine có thể đẩy lùi được đòn tấn công của Nga, bởi vậy họ chỉ tập trung vào "các cuộc tấn công chính xác", gây thiệt hại về quân sự, và điều quan trọng, về chính trị đối với Moscow.

Theo ý kiến của họ, nếu như năm 2014 lính đặc nhiệm Ukraine được huấn luyện như bây giờ, thì Nga không thể giành được Crimea mà không đổ máu. Lính đặc nhiệm Ukraine đã có thể gài mìn các tàu chiến của hải quân Nga ở Sevastopol và nhấn chìm chúng.

Theo quan điểm của Lầu Năm Góc, lý do thất bại của đặc nhiệm 4 năm trước là tinh thần chiến đấu kém hoặc gần như không có. Ngược lại, toàn bộ tiểu đoàn đặc nhiệm chống biệt kích số 81 của Hải quân Ukraine quay sang ra nhập Quân đội Nga.

Mỹ đẩy mạnh huấn luyện đặc nhiệm tinh nhuệ Ukraine: 'Ném đá giấu tay' - quyết phá Nga? - 1
Tổng thống Putin đích thân lái xe tải trên cây cầu nối từ Nga tới Crimea ngày 15/5

Hiện giờ, tình hình có nhiều cải thiện nhờ sự bổ sung vào hàng ngũ lính đặc nhiệm Ukraine các quân nhân có động cơ rõ ràng. Tuy nhiên, ông Willegas cho rằng kể cả hiện nay lính đặc nhiệm Ukraine cũng chưa sẵn sàng để làm việc trong môi trường chiến đấu phức tạp hơn dù họ sở hữu "tiềm năng đặc biệt".

Đối với các sĩ quan huấn luyện Mỹ, việc đào tạo lính đặc nhiệm Ukraine, trước tiên, là cơ hội tích luỹ kỹ năng phối hợp tác chiến với quân nhân Ukraine để phục vụ lợi ích của mình. Nói cách khác, đó là kỹ năng triển khai phương án tuyển chọn và tái lập trình nhận thức.

Đại úy Willegas không che giấu rằng, các chuyên gia của Lầu Năm Góc đã đạt được nhiều thành công trong lĩnh vực này. Họ đã xây dựng được những hình mẫu đặc trưng về tâm lý của tất cả các tướng lĩnh, đa số sĩ quan và những quân nhân có động cơ rõ ràng của "đồng minh Ukraine", cũng như các quy trình làm việc với họ.

Trong quá trình giao lưu, huấn luyện hoặc điều tới khu chiến sự, lính Mỹ biết rõ cách hành xử với họ, và điều quan trọng nhất, là làm thể nào để khuyến khích họ "lập công".

Người Mỹ cho rằng sớm hay muộn quân đội Nga cũng sẽ đưa quân tới Ukraine, nhiều khả năng, từ phía lãnh thổ Belarus.

Điều này được chứng tỏ bằng tuyên bố của Cơ quan tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine.

Trong trường hợp đó, các lính đặc nhiệm Ukraine sẽ không ném lựu đạn vào gầm xe tăng và hi sinh cùng với bộ binh dưới xích sắt của xe tăng T-90. Họ sẵn sàng tiến hành một loạt chiến dịch để "trừng phạt Moscow" mà một trong các mục tiêu có thể là cầu Crimea.

Theo Bảo Lam (Soha/Trí Thức Trẻ)