Thế giới

Lý do bất ngờ sau việc Ấn Độ muốn sản xuất S-400 của Nga ngay trong nước mặc Mỹ 'nổi giận'

Ấn Độ đang nhắm tới một thỏa thuận với Nga giúp họ có thể tự chế tạo phiên bản nội địa cho hệ thống phòng thủ trên không S-400 do Nga sản xuất. S-400 được đánh giá cao vì đây là kiến trúc mở cho phép tích hợp với bất kỳ hệ thống phòng thủ trên không nào khác.

Theo Sputnik, thông tin từ ông Vijainder K. Thakur, cựu binh của không lực Ấn Độ cho hay Ấn Độ đang nhắm tới một thỏa thuận với Moscow, giúp họ có thể tự chế tạo phiên bản nội địa cho hệ thống phòng thủ trên không S-400 do Nga sản xuất.

Mới đây tập đoàn nhà nước Nga Rostec tiết lộ, Ấn Độ và Nga hiện đang trong quá trình thương lượng về khả năng tiến hành sản xuất hệ thống S-400 ngay tại Ấn Độ.

Lý do bất ngờ sau việc Ấn Độ muốn sản xuất S-400 của Nga ngay trong nước mặc Mỹ 'nổi giận'
Ấn Độ đang nhắm tới một thỏa thuận với Nga giúp họ có thể tự chế tạo phiên bản nội địa cho hệ thống phòng thủ trên không S-400 do Nga sản xuất.

"Ấn Độ sẽ cần nhiều hệ thống S-400 hơn và thực sự đang dự tính thỏa thuận tiếp theo sau khi Nga hoàn thành việc cung cấp 5 hệ thống theo hợp đồng đã ký kết", ông Vijainder K. Thakur nói.

"Hệ thống S-400 có nhiều khía cạnh chiến lược. Ấn Độ không muốn nội địa hóa sản xuất hệ thống để rồi xuất khẩu nó. Họ muốn nội địa hóa sản xuất để hệ thống có thể tích hợp với các hệ thống phòng không tối tân khác như hệ thống tên lửa tầm trung đất đối không và hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo", ông Thakur phân tích.

Theo ông, sức mạnh lớn nhất của S-400 là kiến trúc mở cho phép tích hợp với bất kỳ hệ thống phòng thủ trên không nào khác.

Washington vẫn luôn đe dọa áp dụng trừng phạt kinh tế nếu New Delhi tiếp tục thực hiện hợp đồng mua 5 hệ thống S-400 từ Nga, trị giá lên tới 5,43 tỷ USD.

Mặc dù vậy, Ấn Độ tỏ ra quyết tâm và tuyên bố sẽ theo đuổi thỏa thuận tới cùng vì lý do "lợi ích quốc gia".

Bộ Ngoại giao Mỹ từng cảnh báo, họ sẽ áp dụng trừng phạt lên bất kỳ quốc gia nào giao dịch với Nga trong lĩnh vực quốc phòng, theo Đạo luật 2017 Đối phó với các kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt. Tuy nhiên, Ấn Độ và Nga được cho là đã tìm ra một cơ chế thanh toán lâu dài giúp "lách" được các đòn trừng phạt của Washington.

Theo Vũ Thu Hương (Nguoiduatin.vn)